Kiểm tra những bộ phận này sẽ giúp bạn giữ sức khỏe ở phong độ tốt nhất. Kiểm tra các bộ phận sau đây theo tần suất nhất định sẽ giúp bạn biết trước được nhiều bệnh nguy hiểm phát sinh trong cơ thể lúc nào không hay biết.
Con gái có rất nhiều vấn đề sức khỏe cần lưu tâm. Ngoài việc khám phụ khoa định kỳ mỗi năm một lần thì theo các chuyên gia sức khỏe, con gái còn cần lưu ý kiểm tra các bộ phận sau thường xuyên để phát hiện kịp thời nếu sức khỏe có vấn đề bất ổn.
Kiểm tra núi đôi
Tần suất kiểm tra: mỗi tháng 1 lần.
Việc kiểm tra núi đôi thường xuyên sẽ giúp bạn làm quen với cấu trúc của bộ ngực. Từ đó, nếu núi đôi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì bạn cũng dễ dàng nhận ra ngay sự khác biệt và đề phòng.
Không nhất thiết bạn phải dành hẳn một khoảng thời gian nhất định để tự kiểm tra núi đôi mà bạn có thể thực hiện việc kiểm tra này trong lúc tắm, hay trong lúc thay áo ngực. Nếu khi kiểm tra mà phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào như da đổi màu, sưng, đau nhức, có cục u bên trong... thì cần đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Kiểm tra làn da
Tần suất kiểm tra: mỗi tháng 1 lần
Ung thư da là một dạng ung thư phổ biến trên thế giới, trong khi đó đây lại là dạng ung thư dễ nhận biết nhất. Điều này có nghĩa là thói quen kiểm tra da thường xuyên cũng giúp phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này tốt hơn.
Phần kiểm tra da cần tốn nhiều thời gian hơn vì bạn sẽ phải soi kỹ mọi ngóc ngách trên da. Lúc này, bạn có thể sử dụng chiếc gương dài để nhìn được vùng da sau lưng hoặc những nơi khó nhìn thấy. Từ mặt, cổ, tay chân, lưng bụng đến cả bàn tay, da đầu, thậm chí cả da vùng bộ phận sinh dục cũng cần kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trên da có nốt ruồi lạ, cục u lạ thì cần quan sát xem nốt ruồi, hay cục u này có phát triển thêm hoặc biến đổi màu sắc gì không. Nếu có thì cần đi khám để xác định chính xác tình hình bạn nhé!
Kiểm tra vòng eo
Tần suất kiểm tra: 3 - 4 tháng/lần
Vòng eo từ lâu đã được xem là thước đo sức khỏe rất chính xác. Bởi mỡ tích tụ quanh vòng eo chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường so với việc chất béo tập trung ở những nơi khác trên cơ thể.
Nhìn chung, cơ thể phụ nữ khỏe mạnh nếu vòng eo của họ dưới 35 inch (khoảng 89cm). Nếu vòng eo của bạn lớn hơn thế thì hãy suy nghĩ ngay đến việc tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm eo lại ngay.
Kiểm tra nhịp tim
Tần suất kiểm tra: mỗi tháng 1 lần
Nhịp tim quá nhanh có thể là dấu hiệu của các bệnh về tuyến giáp, tim mạch. Ngoài việc đến trung tâm y tế để kiểm tra thì bạn vẫn có thể tự kiểm tra nhịp tim ngay tại nhà bằng cách đặt ngón tay trỏ và ngón giữa lên cổ tay, đồng thời đếm số nhịp mạch đập trong 15 giây. Nhân số nhịp mạch đó với 4 thì bạn có nhịp tim.
Nhịp tim bình thường sẽ ở trong khoảng 60 - 100. Nếu con số nhịp tim hơn 110 hoặc 120 thì cần đi khám ngay vì đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe bạn đang bất thường.
Kiểm tra chiều cao
Tần suất kiểm tra: mỗi năm 1 lần
Cho dù bạn có qua tuổi phát triển chiều cao thì vẫn nên kiểm tra lại chiều cao mỗi năm một lần. Bởi đây là cách đơn giản giúp bạn theo dõi sức khỏe của xương. Điều này đồng nghĩa với việc nếu càng ngày chiều cao của bạn càng sụt giảm thì xương của bạn đang có vấn đề, có thể đó là dấu hiệu sớm của bệnh loãng xương.
Để phòng ngừa loãng xương thì ngoài việc kiểm tra chiều cao thường xuyên, bạn còn cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhất là các sản phẩm giàu canxi như sữa, nước cam, rau lá xanh. Đặc biệt, bạn cũng đừng quên tập thể dục thường xuyên để xương được chắc khỏe hơn.