Ở xã Lê Thanh (huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội) cứ vào hè trẻ em được nghỉ học là gia đình từ người già đến trẻ nhỏ cười nói rôm rả, ngồi nhặt cánh châu chấu. Những con châu chấu sau khi đã được sơ chế và nhặt cánh sẽ được đóng thùng đá lạnh đem đến các nhà hàng ở trung tâm Hà Nội.
Những ngày này người dân xã Lê Thanh (huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội) đang vào mùa sơ chế châu chấu. "Châu chấu xuất hiện nhiều vào thời điểm lúa chín, tháng 5 và tháng 10 hàng năm. Trước kia cả làng theo nghề bắt và sơ chế, nhưng hiện chúng tôi chủ yếu thu mua từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An do châu chấu ở miền Bắc đã ít dần", bà Nguyễn Thị Hoa ở đội 10, xã Lê Thanh cho biết.
Trong xã có một số hộ dân làm đầu mối thu mua châu chấu và chuyển cho các gia đình khác tham gia khâu sơ chế. Châu chấu từ các tỉnh chuyển ra Hà Nội được các hộ đầu mối đãi sạch, cho vào nồi luộc trong khoảng 10 phút để loại bỏ chất tiết ra từ thân, đồng thời giữ cho thịt săn chắc và dễ nhặt bỏ cánh.
Ngoài các hộ đầu mối thu mua, hiện có khoảng 50 gia đình tham gia công việc sơ chế châu chấu ở xã Lê Thanh.
Các gia đình cử người xếp hàng chở châu chấu đã luộc qua về nhà để cùng nhau ngồi nhặt cánh.
Tháng sáu là mùa nông nhàn, học sinh nghỉ hè nên các gia đình ở xã Lê Thanh huy động được nhiều nhân công vào việc sơ chế châu chấu.
Bà Đặng Thị Cấm (89 tuổi) cho biết hàng ngày bà ngồi nhặt cánh châu chấu cùng mọi người trong gia đình cho vui, "đỡ buồn chân, buồn tay và kiếm thêm".
Đến xã Lê Thanh những ngày này, du khách dễ dàng nhìn thấy cảnh cả nhà ngồi sơ chế châu chấu, tiếng cười nói rôm rả.
Các rổ châu chấu được làm sạch để khô nước, chờ ướp đá, đóng thùng đem đi tiêu thụ.
Những năm có mùa bóng đá như World Cup, Euro,... các nhà hàng đặt mua châu chấu nhiều hơn và người dân trong xã làm việc không ngơi tay từ sáng đến tối.
Anh Nguyễn Ngọc Hiển cho hay, sau khi sơ chế, châu chấu sẽ được đóng thùng, ướp đá chở đến các nhà hàng ở trung tâm Hà Nội.