Sau 3 tháng ra mắt iPhone X đang ngày càng bị giới công nghệ lãng quên và khách hàng không còn săn đón. Cho tới lúc này nhiều người đang tự hỏi liệu iPhone X có còn đáng giá 1000 USD nữa không? Trong khi iPhone X lại còn đang mắc rất nhiều lỗi gây khó chịu cho người sử dụng. Người ta có lẽ vẫn chưa quên được hình ảnh dòng người hỗn loạn, chen lấn nhau giành suất mua tại Store ở Singapore. Chỗ ngồi xếp hàng được mua với giá hơn 100 USD. Những chiếc X vừa ra khỏi Apple Store đã lập tức sang tay tại chỗ với mức giá mang về cho người bán hàng chục triệu đồng.
Các thương lái được dịp tấp nập xuôi ngược, nhưng nguồn cung iPhone những ngày đầu chỉ như muối bỏ biển. Tại Việt Nam, con số 68 triệu đồng bỏ ra để sở hữu chiếc iPhone X đầu tiên khiến nhiều người choáng váng.
Hơn ba tháng trôi qua kể từ ngày mở bán, iPhone X đến nay liệu có xứng với mức giá hơn 1.100 USD?
Ngay sau vài ngày mở bán, những phản ánh đầu tiên của người dùng cũng tới tấp gửi về: iPhone X bị lỗi sọc xanh màn hình, đơ cảm ứng. Dù được đánh giá sở hữu màn hình OLED tốt nhất thế giới, vượt qua cả Note 8 của Samsung, với độ sáng toàn màn hình cao, hệ số phản xạ thấp, iPhone X vẫn bị nhiều người dùng tố ám màu, chuyển màu khi nghiêng máy.
Tiếp đến, iPhone X bị cho là có thiết kế quá mỏng manh, mặt kính phía trước và sau dễ vỡ, dễ trầy, khung viền thép dễ bong tróc sơn. Ngoài ra, khi chơi nhạc hay bật âm lượng ở mức to, người dùng cho rằng âm thanh phát ra bị rè. Một người dùng trên Reddit cho biết dù được Apple đổi máy mới, vấn đề tương tự vẫn xảy ra.
Bên cạnh đó còn là lỗi không thể kết nối Wi-Fi, hoặc Wi-Fi kết nối được nhưng không thể truy cập dữ liệu. Đấy là chưa nói đến khả năng hoạt động của Face ID, mà đến giờ vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Những tưởng vấn đề chỉ dừng lại ở đó, bởi có thể do đẩy nhanh quá trình xuất xưởng chọ kịp ngày lên kệ mà nhiều lô hàng iPhone X chưa được hoàn thiện kỹ lưỡng.
Mới đây, nhiều người dùng iPhone X tiếp tục phản ánh trên trang chăm sóc khách hàng của Apple lỗi không thể nhận thông tin người gọi đến. Cụ thể, khi có cuộc gọi, người dùng không thể lập tức nhìn thấy màn hình hiển thị thông tin người gọi đến hoặc nhấn đồng ý để trả lời, dù vẫn nghe được chuông báo.
Ngoài ra, một số khách hàng còn kêu gọi Apple tắt Pulse Width Modulation, công nghệ điều khiển màn hình nháy ở nhiều tần số khác nhau tùy theo độ sáng màn hình, khiến họ bị đau đầu, mỏi mắt.
Người dùng đáng được nhiều hơn thế
Với mức giá đắt nhất lịch sử iPhone, cái mà người dùng đổi lại là một thiết bị mà theo như đồng sáng lập Apple Steve Wozniak nhận định là, quá rắc rối để sử dụng. "Ngay cả phím âm lượng cũng phân ra từng chức năng với mỗi thao tác". Thực vậy, iPhone X đã đi ngược lại với những tiêu chí cốt lõi của Apple từng được Steve Jobs gói gọn trong câu nói "cứ thế mà dùng".
Lùi lại một chút để nhìn vào những sản phẩm phía sau. Ngay cả iPhone 7, chỉ có giá khoảng 500 USD, cũng làm được hầu hết thứ iPhone X có thể làm được, tất nhiên là trừ khả năng sạc không dây, nhận diện Face ID và mắc hàng tá lỗi kể trên.
Những chiếc smartphone cao cấp như iPhone X đã không còn khả năng sáng tạo thêm. Mọi tính năng chỉ là thêm thắt đôi chút, cấu hình cao hơn đôi chút, chống nước tốt hơn một xíu... để bán ra ở mức giá trên trời.
Nhiều người đến đây có thể nói rằng, đừng dạy người giàu sử dụng tiền. Điều này tất nhiên không sai, chỉ xin đừng đánh mất đi mục đích thiêng liêng của công nghệ, nhằm phục vụ đời sống tốt hơn khi mang về thiết bị hàng tá lỗi, với mức giá đắt đỏ chỉ bởi mục đích phù phiếm nào đó.
|