VBF-Không cha mẹ nào mà không yêu thương chính những đứa con của mình và dạy cho chúng những điều hay lẽ phải. Và trong thực tế mỗi gia đình lại dạy con mình theo mỗi kiểu khác nhau tùy thuộc vào điều kiện mỗi nhà. Cho đến nay tất cả đều có 1 nhìn nhận chung trong việc dạy con đó chính là việc khen con quá sớm đều khiến trẻ hình thành suy nghĩ rằng năng lực, trí lực của bản thân là tự có nên không cần vất vả cố gắng.
Vì vậy, thay vì chỉ khen con "thông minh", hãy vận dụng 14 lời khuyên hữu ích này để thay đổi con trẻ theo hướng tích cực hơn.
1. Khen ngợi sự cố gắng
"Con đã rất cố gắng! Điều đó thật tuyệt vời!"
Khi bé khoe với bạn một thành phẩm đẹp, đồng nghĩa với việc bé đang muốn bạn biết tới sự nỗ lực của bản thân mình. Bởi thành phẩm đó chính là thứ đúc kết tâm sức, trí lực và sự cố gắng của trẻ.
Vì vậy, thay vì quá đỗi vui mừng, bạn cũng đừng quên rằng con đã phải nỗ lực ra sao để có được sản phẩm tuyệt vời này.
Những lúc đó, thay vì khen con thông minh, bạn hãy dành tặng con một lời tán dương về sự cố gắng. Đó sẽ trở thành điều khích lệ tuyệt vời đối với trẻ.
2. Khen ngợi sự kiên nghị
"Mặc dù việc này rất khó, nhưng con đã rất kiên trì!"
Đối với trẻ em mà nói, để hoàn thành một công việc là quá trình gian nan và nhiều thách thức.
Để chú tâm vẽ một bức tranh, bé phải bỏ qua sức hấp dẫn từ vô vàn món đồ chơi khác. Để tập đi xe đạp, bé cũng không ít lần bị vấp ngã, xây xước. Nhưng sau tất cả, các em vẫn luôn kiên trì và nỗ lực bước tiếp.
Vì vậy, sự thành công trong những công việc khó khăn thể hiện rõ đức tính kiên trì của trẻ. Khi khoe với bố mẹ thành quả của sự kiên trì cũng là lúc lòng bé tràn ngập niềm vui và nỗ lực hướng về phía trước.
Vào lúc này, đừng ngần ngại dành cho con một lời khen ngợi về sự kiên trì. Lời khen ấy còn tuyệt vời hơn gấp nhiều lần so với sự ca tụng đơn thuần về trí thông minh.
3. Khen ngợi những tiến bộ nhỏ
"Con đã tiến bộ hơn trước rồi!"
Thay vì chỉ nhìn vào kết quả, hãy chú ý tới từng sự thay đổi của trẻ nhỏ trong suốt quá trình các em học tập và trưởng thành.
Vì không có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng như người lớn, sự tiến bộ của các em diễn ra rất từ từ, thậm chí chỉ thể hiện mờ nhạt qua những chi tiết nhỏ.
Nhưng nếu người lớn nắm bắt được sự thay đổi này và khen ngợi chúng, các bé sẽ vui vẻ và có động lực để cố gắng hơn.
Đơn giản như việc dạy con trẻ tập bơi, ngay cả khi các bé chưa biết bơi, nhưng đã có sự nhuần nhuyễn về cử động tay chân, cha mẹ hãy khen ngợi bé bằng một câu đơn giản như:
"Tay chân của con cử động rất thuận, tiến bộ hơn nhiều so với trước đây rồi!"
4. Khen ngợi sự lựa chọn
"Cha/mẹ rất vui vì con chọn điều này!"
Đôi khi thành công không phải bắt nguồn từ thời cơ, cũng không hoàn toàn dựa vào năng lực, mà phụ thuộc vào sự nhạy bén về chiến lược và cách thức thực hiện. Điều này cũng không ngoại lệ đối với những công việc của trẻ.
Bởi vậy, nếu trẻ thành công nhờ mạnh dạn thay đổi quyết định, hãy công nhận sự lựa chọn của bé. Điều này sẽ giúp bé rèn luyện sự dũng cảm và trở thành nền tảng của trí tư duy nhạy bén
5. Khen ngợi tinh thần hợp tác
"Con và các bạn hợp tác thật ăn ý!"
Dù cho một người sở hữu trí thông minh thiên tài tới đâu, người đó cũng khó có thể sống tách biệt khỏi xã hội, càng khó có thể tự mình đảm đương tất cả mọi việc trong cuộc sống. Bởi vậy, thế giới của chúng ta luôn đề cao sự hợp tác và tinh thần hữu hảo.
Vì thế, khi trẻ và bạn bè phối hợp với nhau để hoàn thành một công việc, chỉ cần công việc đó không thất bại, các bậc cha mẹ hãy dành cho con những lời khen về tinh thần hợp tác.
Điều đó sẽ giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác ăn ý và giúp bé xây dựng tinh thần hữu hảo.
6. Khen ngợi năng lực lãnh đạo
"Con đã phụ trách rất tốt việc này!"
Khen ngợi năng lực lãnh đạo sẽ giúp trẻ hiểu rằng, mặc dù bé chưa có kinh nghiệm và cũng không có khả năng thực hiện tất cả mọi phần việc, nhưng chính bé là người đã nhận biết được hướng đi, tạo điều kiện cho các cá nhân khác phát huy khả năng của mình.
Lãnh đạo chính là một loại tài năng đặc biệt. Đi cùng với năng lực ấy là tinh thần trách nhiệm và sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác.
Vì vậy, khi trẻ giữ vị trí lãnh đạo, chỉ huy ở một công việc nào đó, bạn hãy dành cho trẻ những lời động viên, tán dương để con có thể phát huy tốt năng lực của mình. Nếu công việc ấy thất bại, cha mẹ càng cần nỗ lực chia sẻ để tránh việc con cảm thấy tự ti và có xu hướng thu mình.
7. Khen ngợi dũng khí
"Con chẳng hề chùn bước trước khó khăn. Bố/mẹ rất tự hào về điều đó."
Khen ngợi dũng khí đúng lúc, đúng chỗ sẽ trở thành dũng khí giúp con bạn thêm phần tự tin và càng trở nên dũng cảm.
Tuy nhiên, những lời khen ngợi về dũng khí cần sử dụng đúng hoàn cảnh để tránh việc các bé trở nên liều lĩnh, thậm chí lì lợm, khó bảo.
8. Khen ngợi sự nhiệt tình
"Sự trợ giúp nhiệt tình của con đã phần nào giúp bạn ấy hoàn thành nhiệm vụ!"
Giúp đỡ mọi người được ví như một loại "mỹ đức". Vì vậy, khi trẻ có tình thần bang trợ người khác, các bậc cha mẹ cần tích cực tuyên dương, cổ vũ con phát huy đức tính tốt đẹp này.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên giải thích cho bé hiểu rằng, có rất nhiều cách để vượt qua khó khăn như tự mình kiên trì hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác để học hỏi kinh nghiệm từ họ.
Tuy nhiên việc nhờ vả cần sự tinh tế về cách thức và hạn chế về số lượng để tránh việc bản thân con trở thành người dựa dẫm, phụ thuộc.
9. Khen ngợi tính trật tự
"Con thu dọn đồ đạc của mình rất gọn gàng."
Trẻ tự mình dọn đồ chơi, dọn phòng, sắp xếp đồ dùng học tập… đều thể hiện tính tự giác, tinh thần trách nhiệm cùng sự ngăn nắp, trật tự của bé.
Những lời khuyên của cha mẹ để biểu dương tính trật tự là rất cần thiết để trẻ tiếp tục phát triển và phát huy tính cách này.
10. Khen ngợi chữ tín
"Ba/mẹ tin con, bởi vì…"
Một lời khen về chữ tín kèm theo lý do cụ thể sẽ giúp trẻ ý thức tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân và củng cố niềm tin của người khác về mình
Có chữ tín sẽ giúp con đường trưởng thành của trẻ dễ dàng hơn. Và những lời khích lệ như vậy chính là một trong những cách để bố mẹ giúp con cái xây dựng hình ảnh trong mắt người khác.
11. Khen ngợi tinh thần hăng hái
"Hoạt động hôm nay con biểu hiện rất khá."
Tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa không chỉ giúp trẻ bồi dưỡng tài năng mà còn cho bé nhiều cơ hội để mở rộng mối quan hệ xã hội của mình.
Do đó, sự cổ vũ của bố mẹ cũng như những lời biểu dương về tinh thần hăng hái sẽ khơi gợi hứng thú và trở thành động lực để trẻ tham gia những hoạt động này.
2. Khen ngợi sự khiêm tốn
"Con rất coi trọng ý kiến của người khác. Đó là điều nên làm."
Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác sẽ khiến bản thân học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm, càng khiến khả năng tiếp thu và lắng nghe của trẻ được nâng cao.
Những lời khen về sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác sẽ giúp trẻ tự ý thức và rèn luyện cho mình đức tính khiêm tốn.
13. Khen ngợi sự sáng tạo
"Phương pháp của con quả thực rất mới lạ!"
Khen ngợi sự sáng tạo là một lời khen cần hết sức chú ý. Bởi mỗi khi trẻ có một sáng kiến mới, nhiều người sẽ quen miệng dùng từ "thông minh" để tán thưởng.
Tuy nhiên, sáng kiến ấy được trẻ sáng tạo bằng những tích lũy cũng như kinh nghiệm của chính bản thân mình, thậm chí phải thử nghiệm vô số lần mới có thể thành công.
Do đó, thay vì khen con thông minh, hãy tặng con một lời khen về tinh thần sáng tạo để khích lệ các bé.
14. Khen ngợi đức tính cẩn thận
"Con vẫn còn nhớ rõ điều này, thật tốt!"
Cẩn thận là một trong những đức tính rất khó rèn luyện và nên được bồi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ. Những lời khen ngợi kèm theo sự giảng giải của cha mẹ sẽ trở thành nền tảng vững chắc giúp các bé rèn luyện tính cách tốt này.
|
|