Cả thế giới phản đối về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông và chính sách "đường chín đoạn", phớt lờ tất cả, họ vẫn có những động thái nhằm biến Biển Đông thành ao nhà của họ. Mỹ trước sau muốn giải quyết bằng phương pháp hòa bình giữa các nước trong khu vực. Nhưng tình hình Biển Đông mấy ngày qua lại nóng lên bởi vị ngoại trưởng tương lai của Mỹ cấm không cho Trung Quốc đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép.
Mỹ không đứng về bên nào trong các bên yêu sách ở Biển Đông, còn Philippines sẽ không can ngăn Hoa Kỳ nếu họ có kế hoạch.
Chính quyền Obama: Các bên nên tìm cách giải quyết tranh chấp không bằng bạo lực
Tờ Press Trust, Ấn Độ, ngày 14/1 đưa tin, chính quyền Tổng thống Barack Obama sắp mãn nhiệm đã lên tiếng kêu gọi một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên trong buổi họp báo hàng ngày của mình rằng: "Các chính sách đã được đưa ra của chính phủ Tổng thống Obama là Mỹ không đứng về bên nào trong các bên yêu sách ở Biển Đông. Chắc chắn Hoa Kỳ không có bất kỳ yêu sách hay khiếu nại nào về lãnh thổ ở Biển Đông.
Những gì chúng tôi đã đề nghị là, các bên yêu sách nên tìm cách giải quyết các tranh chấp không phải bằng bạo lực hay cưỡng ép, mà đúng hơn là thông qua con đường đối thoại, ngoại giao".
Thư ký báo chí Nhà Trắng sắp mãn nhiệm Josh Earnest, ảnh: Politico.
Khi được đề nghị bình luận về phát biểu của ông Rex Tillerson, ứng viên Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong chính phủ kế nhiệm, phát biểu về Biển Đông trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, khi ông nhấn mạnh nên ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông, ông Josh Earnest cho biết: "Tôi không biết đó có phải là chính sách mới của chính phủ kế nhiệm hay không.
Tôi cho rằng đây sẽ là một trong những chủ đề được đề cập trong cuộc họp báo đầu tiên mà các bạn hiện diện ở đây cùng với người kế nhiệm tôi. Còn những gì tôi nói là chính sách đã được đưa ra bởi chính phủ hiện tại".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cũng tham gia hỗ trợ Nhà Trắng trong kêu gọi tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông trong cuộc họp báo cùng ngày.
Chính quyền của Donald Trump đang cứng rắn với Trung Quốc
Khác với chính quyền Obama, riêng về phía chính quyền mới của ông Trump, Bloomberg ngày 14/1 đưa tin, đội ngũ tham mưu chiến lược của Tổng thống đắc cử Mỹ đang tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, từ an ninh đến thương mại hay không gian mạng.
Tuy nhiên hiện vẫn có những tín hiệu khác nhau, mâu thuẫn nhau tạo ra sự không chắc chắn xung quanh việc, ông Donald Trump sẽ sẵn sàng đường đầu với Bắc Kinh như thế nào, nhất là giữa 2 ứng viên Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump
Một cố vấn trong nhóm chuyển giao của Donald Trump nói với Reuters, phát biểu của ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về Biển Đông không có nghĩa là chính quyền Donald Trump sẽ áp đặt lệnh phong tỏa hải quân đối với các đảo nhân tạo.
Điều này có thể dẫn đến đối đầu hải quân Trung - Mỹ mà chính quyền mới ở Hoa Kỳ không mong muốn. Một số quan chức khác có thẩm quyền trong nhóm chuyển giao của Trump tin rằng, phát biểu của ông Tillerson thiếu chuyên nghiệp.
Giữa các tín hiệu mâu thuẫn nhau về chính sách, nhóm nghiên cứu của Trump đề xuất, Mỹ cần có kế hoạch tăng cường lực lượng hải quân lớn hơn ở Đông Nam Á để đối phó với Trung Quốc.
Philippines: Không can ngăn nếu Hoa Kỳ có kế hoạch ngăn chặn
Trong khi Mỹ cứng rắn với lập trường của mình, thì trên tờ The Manila Times ngày 15/1 đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết, nước này sẽ không can ngăn Hoa Kỳ nếu họ có kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, ông Yasay nói điều này với báo giới, ngày 14/1.
Theo Ngoại trưởng Philippines, các nước phương Tây cũng có lợi ích của riêng mình trong các vùng biển quốc tế ở Biển Đông, nơi một nửa khối lượng thương mại toàn cầu với tổng kim ngạch 5,3 ngàn tỉ USD đi qua Biển Đông mỗi năm.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ảnh: Philippines Daily Inquirer.
"Nếu ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ, họ được tự do làm điều này vì khu vực nằm trong vùng biển quốc tế", Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói với The Manila Times.
Ông bình luận về phát biểu của ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng, Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo bồi lấp trái phép trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Về phần Philippines, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục các thảo luận song phương với Trung Quốc để giải quyết một các hòa bình các tranh chấp, cuối cùng hướng đến thực hiện Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
"Chúng tôi có mối quan tâm của mình trong việc bảo vệ cam kết giải quyết các vấn đề, thực hiện Phán quyết của Tòa Trọng tài một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Yasay nói.
Trung Quốc nên bình tĩnh và thận trọng lắng nghe
Về phía Trung Quốc, tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 13/1 dẫn lời một số nhà phân tích Trung Quốc kêu gọi, chính phủ nước này nên bình tĩnh và thận trọng lắng nghe thêm, không phản ứng vội vàng với những phát biểu của ông Rex Tillerson.
Liu Weidong, một nhà quan sát chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh không cần phải quá vội vàng phản ứng với Mỹ trong khi chính sách của ông Donald Trump vẫn chưa rõ ràng.
"Trung Quốc nên giữ bình tĩnh và không làm tăng căng thẳng ở Biển Đông chỉ vì những phát biểu khó dễ. Bởi suy cho cùng, Mỹ cũng chưa biến những phát biểu cứng rắn thành hiện thực", ông Liu Weidong bình luận.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cuối ngày thứ Năm 12/1 nói với báo giới, Bắc Kinh vẫn nhìn về phía trước và duy trì liên lạc chặt chẽ với bộ phận chuyển giao của ông Donald Trump, đảm bảo quan hệ Trung - Mỹ "mạnh mẽ hơn, ổn định hơn, hiệu quả hơn".