Tổng cộng Nga đã tăng lãi suất 6 lần kể từ đầu năm đến nay và những lần tăng trước đó không có tác dụng gì với ruble.
Bất cứ khi nào một NHTW nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ, nước đó sẽ đối mặt với nguy cơ bị đánh giá là liều lĩnh, đặc biệt khi chính sách được đưa ra chớp nhoáng trong sau cuộc họp bất thường. Có vẻ như NHTW Nga đang rơi vào trường hợp này.
Tuần trước, NHTW Nga tăng lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu do chính phủ Nga phát hành tăng mạnh và đồng ruble lại giảm giá sâu hơn. Tính từ đầu năm đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (15/12), ruble đã giảm giá hơn 50% so với USD.
Trước tình trạng này, NHTW Nga buộc phải phản ứng nhưng lại đứng trước quá nhiều rủi ro. Một số người nhớ lại và so sánh ngày nay với sự kiện “Ngày thứ Tư đen tối” hồi tháng 10/1992, khi NHTW Anh nâng lãi suất cơ bản từ 10% lên 12% và sau đó là 15% trong nỗ lực bảo về tỷ giá giữa đồng bảng Anh và mác Đức.
Các quỹ đầu cơ, dưới sự dẫn dắt của George Soros, nhận định lãi suất sẽ không thể tiếp tục ở mức này và tiếp tục bán ra bảng Anh. Trong một thông báo được đưa ra lúc nửa đêm, Anh đã quyết định cho phép đồng bảng giảm giá và hạ lãi suất xuống còn 9% vào ngày hôm sau.
Gần đây hơn, hồi tháng 1, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo nâng lãi suất lên gấp đôi vào nửa đêm để ngăn đồng lira giảm giá. Chính sách này đã phát huy tác dụng và lãi suất bắt đầu hạ nhiệt vào mùa hè.
Tuy nhiên, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ lại rơi vào cơn bán tháo tiền tệ của các thị trường mới nổi, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu dầu ròng và sẽ hưởng lợi khi giá dầu giảm. Đồng lira hiện ở mức thấp hơn so với đêm chính sách nâng lãi suất được đưa ra. Các nước nhập khẩu dầu khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, khiến nhiều người lo lắng về kịch bản dòng vốn tháo chạy.
Quay trở lại trường hợp của Nga, vấn đề vẫn là Nga phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ. “Canh bạc” của NHTW Nga vẫn cần đến yếu tố dầu tăng giá để có thể thành công.
Thu Hương
Theo Infonet/FT