GENEVA—Một bản phúc trình của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng Thuỵ Sĩ là nước mang tính cạnh tranh cao nhất thế giới, tiếp theo là Singapore và Hoa Kỳ. Cũng như những năm trước, các nước ở phía nam sa mạc Sahara, trong đó có Chad, Guinea và Burundi nằm ở cuối bảng xếp hạng 144 nước được khảo sát trong phiên bản mới nhất của Phúc trình về tính cạnh tranh toàn cầu.
Thuỵ Sĩ đứng đầu bảng xếp hạng sáu năm liên tiếp, theo sau là Singapore và Hoa Kỳ, nước đã lên được hai hạng trong bảng xếp hạng về tính cạnh tranh. Các nước còn lại trong 10 nước đứng đầu bảng là năm quốc gia Âu châu, cùng với Nhật Bản và Hong Kong.
Quốc kỳ Thụy Sĩ bay trước cổng trụ sở Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse ở Zurich. |
Kinh tế gia kỳ cựu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Benat Bilbao, nói với đài VOA rằng sự cách biệt giữa 10 nước đứng đầu bảng là rất ít. Ông nói tất cả đều được điểm cao trong những lĩnh vực như cải cách cơ chế, y tế, giáo dục sơ cấp, và sự sẵn sàng về kỹ thuật.
Ông Bilbao nói: “Đầu tư khôn ngoan vào vốn con người, về tài năng và sáng tạo là chìa khoá cho tính cạnh tranh, và đây là điều chúng ta thấy là đặc điểm chung của tất cả các nước thuộc 10 hạng đầu bảng … Để thực thi các cải cách cơ chế và tham gia vào những vụ đầu tư khôn ngoan mang tính quan trọng để đẩy mạnh tính cạnh tranh … khu vực công và khu vực tư cần phải sát cánh hoạt động.”
Bản phúc trình về Tính cạnh tranh Toàn cầu cảnh báo rằng sự lành mạnh của nền kinh tế toàn cầu lâm nguy khi các nước chật vật mới thực thi được các cải cách cơ chế cần thiết để góp phần tăng trưởng kinh tế. Bản phúc trình trình bày một hình ảnh lẫn lộn về cách thức các nước ở khắp các khu vực theo đuổi những yếu tố cần thiết để thúc đẩy sức sản xuất và sự thịnh vượng.
Tại châu Âu, bản phúc trình nhận thấy có sự cách biệt giữa một miền Bắc nhiều tính cạnh tranh và các nước ở miền Nam và miền Đông tụt hậu trong tính cạnh tranh. Cuộc thăm dò, thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, không phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine. Điều trớ trêu là bản phúc trình nhận thấy cả Nga lẫn Ukraine đều lên được 10 hạng trong bảng xếp hạng năm nay, ở thứ bậc 53 (cho Nga) và 76 (cho Ukraine.)
Ông Bilbao nói có nhiều phần chắc sẽ nổi lên một hình ảnh khác trong năm tới. Cũng thế, ông nói tình hình bất ổn tại Trung Đông đã tác động tiêu cực đến các nền kinh tế ở đó. Ông nêu ra rằng Syria và Iraq không được kể trong bảng xếp hạng vì đã không thực hiện được cuộc thăm dò ở đó. Nhưng ông nói nước láng giềng Libăng đã phải chịu đựng cảnh giao tranh trong vùng, và sụt 10 hạng xuống thứ bậc 113.
Bản phúc trình nhận thấy châu Phi ở phía nam sa mạc Sahara tiếp tục ghi nhận các tỷ lệ tăng trưởng đáng kể gần 5 phần trăm. Tuy nhiên, chỉ có ba nước, trong đó có Mauritius, Nam Phi và Rwanda là lọt vào các nước trong nửa trên của bảng xếp hạng.
Kinh tế gia kỳ cựu Bilbao nói nhiều nước Phi châu vẫn còn chiếm hạng chót trong số 144 nước được xếp hạng.
Ông giải thích: “Điểm chung của các nước này là không những họ lâm vào tình cảnh hỗn loạn – phải đối mặt với một tình hình khó khăn về chính trị và xã hội, hay rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế. Tôi nghĩ điểm chung của các nước này là … các cơ chế yếu kém, thị trường hoạt động kém cỏi và trình độ giáo dục rất thấp không cung cấp được các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế để thực sự tiến tới các hoạt động sản xuất cao hơn.”
Một điểm sáng hơn đã đạt được là những con hổ châu Á, tiếp tục làm rạng danh mình. Bản phúc trình gọi động năng cạnh tranh ở Đông nam châu Á là nổi bật. Ngoài Singapore được xếp hạng 2, phúc trình nhận thấy năm nước lớn nhất là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam đều có tiến bộ trong bảng xếp hạng.
Trong khi Trung Quốc lên được một bậc tới hạng 28, Pakistan đã có thành tích kém và tụt xuống hạng thứ 129 trong bảng xếp hạng này.
Lisa Schlein - VOA