Lao động chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng mềm khiến năng suất lao động của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 1/15 so với Singapore.
Thông tin trên được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra tại diễn đàn chính sách về những tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến thị trường lao động Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 4/9.
Được thành lập năm 2015, AEC sẽ cho phép lao động có tay nghề cao của 10 quốc gia thành viên ASEAN được di chuyển tự do hơn. Điều này tạo ra thách thức rất lớn cho Việt Nam khi trình độ lao động còn thấp.
Chất lượng lao động thấp, thiếu kỹ năng mềm khiến thu nhập cũng như năng suất của lao động Việt Nam thuộc vào loại thấp nhất khu vực. Ảnh: H.A.
Theo ILO, chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và những kỹ năng được trang bị thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có trình độ kỹ năng thấp nhất. Cứ 10 lao động tại đây thì chỉ một người được đào tạo.
Khảo sát về nhu cầu kỹ năng mới đây do ILO thực hiện với hơn 200 doanh nghiệp trong ngành du lịch ở miền Trung Việt Nam cũng cho thấy thực trạng tương tự. Toàn bộ chủ doanh nghiệp cho biết sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng yêu cầu công việc ở đơn vị của họ.
Hệ quả của thực trạng này là năng suất lao động của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. Một nghiên cứu khác của ILO tính toán năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt Nam. Thậm chí, năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan - hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN.
“Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng đáng tiếc là trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam nắm bắt những cơ hội không dễ dàng có được ấy”, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhận định.
Ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) lo ngại tỷ lệ thất nghiệp khi hội nhập có thể tăng lên. “Sự cạnh tranh về việc làm sẽ rất khốc liệt khi chúng ta gia nhập AEC. Nếu người lao động không nâng cao kỹ năng có thể mất việc ngay tại ‘sân nhà’. Đây là thách thức rất lớn với công tác dạy nghề hiện nay”, ông Đại nói.
Theo ông, điểm yếu của lao động Việt Nam là thiếu kỹ năng mềm như cách làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng tuân thủ quy trình lao động... Để phù hợp với hoàn cảnh hội nhập, người lao động cần ý thức phải luôn luôn học hỏi, cập nhật kỹ năng mới duy trì được việc làm bền vững.
Đây cũng là thách thức với lĩnh vực dạy nghề. Vì thế, trong thời gian tới Tổng cục Dạy nghề sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng lao động, định hướng đến năm 2020 sẽ có những trường dạy nghề chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực và thế giới.
Có cái nhìn khả quan hơn về cơ hội của Việt Nam khi gia nhập AEC, ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động, Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc hội nhập này. Đây cũng là cơ hội cho lao động Việt Nam có kỹ năng nghề cao, có khả năng ngôn ngữ tốt di chuyển sang các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan làm việc để có thu nhập cao hơn.
“AEC cho phép lao động có kỹ năng nghề cao di chuyển tự do hơn trong khu vực nhưng ở phạm vi rất hạn chế, tập trung vào 8 ngành như bác sĩ, y tá, kiến trúc sư, kỹ sư... Không kể du lịch thì 7 ngành còn lại chỉ chiếm 1% lực lượng lao động”, ông Huỳnh nói.
Dù vậy, theo ông khi hội nhập, nhu cầu lao động kỹ năng nghề gia tăng. Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục bậc trung học và kỹ thuật dạy nghề, đồng thời tăng cường trao đổi với khu vực tư nhân nhằm nắm bắt nhu cầu của họ.
VNE