'Chú ơi, xin đừng đánh con tôi nữa... '
GARDEN GROVE, California (NV) - Một ngày sau khi Sở Cảnh Sát Garden Grove cho biết yêu cầu Văn Phòng Biện Lý Orange County điều tra cái chết của ông Peter Lâm, 31 tuổi, một người bị bệnh tâm thần ở Garden Grove, phóng viên nhật báo Người Việt đến gia đình nạn nhân và được người nhà cho biết thêm một số chi tiết.
Bà Mã Thị Chu, mẹ của nạn nhân, kể trong nước mắt sụt sùi: “Tôi nghe con tôi la lên: 'Con ngộp quá, con ngộp quá!'
Người Mỹ mặc đồng phục của xe cứu thương đè đầu con tôi xuống chiếc nệm giường, còn người thanh niên người Việt trong toán này thì dùng một vật gì dài khoảng hai gang tay, một đầu có gắn một vật tròn, đánh liên tục lên đầu lên cổ, lên lưng, lên tay con tôi.”
Nạn nhân Peter Lâm. (Hình: Gia đình cung cấp)
Bà tiếp: “Thấy người đàn ông gốc Việt kia đánh con tôi tàn nhẫn quá như đánh một kẻ thù tôi vừa khóc vừa nói: 'Chú ơi, chú cũng là người Việt mà không thương xót gì người Việt vậy?'”
“Chú ơi, xin đừng đánh con tôi nữa! Nó mắc bệnh tâm thần đấy!” Bà kể tiếp. “Nhân viên người việt nói lại là tại vì con tôi nó chống cự. Tôi nghĩ con tôi mắc bệnh tâm thần đầu óc đâu còn phân biệt phải trái, mà trong tay nó không có vũ khí sao họ lại đánh nó tàn nhẫn như thế?”
Theo báo cáo của cảnh sát, sau khi ông Peter Lâm, tên Việt Nam là Lâm Chí Cường, lên cơn thần kinh, gia đình gọi nhân viên cấp cứu tới. Khi tới nơi, ông Peter Lâm tấn công nhân viên cứu hỏa, và nhân viên này chỉ tự vệ.
Sau khi kiểm soát được tình hình, nhân viên cứu hỏa đưa nạn nhân vào bệnh viện, và ông Peter Lâm qua đời sau đó.
Cú điện thoại 911 nghiệt ngã
Bà Chu kể: “Ðã hai ngày rồi, con tôi nó không uống thuốc. Ngày 5 Tháng Giêng là ngày thứ ba nó quên nữa. Tôi bèn lấy thuốc hòa với nước dừa đưa cho nó uống nhưng nó hớp hai hớp rồi không uống nói rằng uống vào thấy đắng và khó chịu. Thường nếu nó chịu uống thuốc thì 7 giờ tối nó đã đi ngủ. Nhưng tối nay tới gần tám giờ mà thuốc cũng không chịu uống mà cứ đi ra đi vào. Vì thế tôi mới ra ngoài gọi 911 hy vọng người ta sẽ giúp đưa con tôi vào bệnh viện chữa trị. Tôi gọi 911 kể rõ chuyện như thế. Không bao lâu sau vừa xe cứu hỏa vừa xe cứu thương, lẫn xe cảnh sát đến. Tôi nói với con tôi: 'Con ơi, cảnh sát tới đây nhiều quá!'”
Gia đình ông Lâm Văn Ngọc tại Việt Nam năm 1995. (Hình: Gia đình cung cấp)
“Từ phòng ngủ phía trong nó bước ra với thái độ hốt hoảng ra mặt. Hai tay nó bỗng dưng giơ ra phía trước cứ đánh lên đánh xuống như thế này,” bà Chu vừa khóc vừa nói vừa bắt chước động tác “chém gió” của đứa con trai vắn số. “Rồi bất ngờ, hai tay nó đụng vào mặt tôi khiến tôi đang đứng mất thăng bằng ngã ngồi xuống chiếc giường sắt chồng tôi thường nằm. Người trong toán cấp cứu gạt tôi ra và đè sấn thằng con tôi xuống úp mặt vào giường mà đánh nó.”
Bà Chu nói tiếp: “Tôi gào lên nói: 'Sao các chú không dùng dây mà trói nó lại?' Nhưng những lời nói của tôi không có tác dụng gì đến họ cả và người Mỹ thì tiếp tục đè còn người Việt kia thì cứ tiếp tục đánh túi bụi, đánh không ngưng tay, trong khi thằng con tôi cứ quằn quại vì những cú đánh ác hiểm. Thân hình thằng con tôi mềm nhũn, thì cũng là lúc người Việt kia ngưng đánh, toán cấp cứu làm hô hấp nhân tạo và rồi cho thở bằng bình dưỡng khí và khiêng con tôi xuống lầu. Tôi chạy theo hỏi rằng chú ơi chú có phải con tôi đã chết không thì nhân viên người Việt đánh con tôi bấy giờ mới trả lời một cách lạnh lùng rằng họ không biết. Họ không cho tôi đi theo.”
Theo lời kể của bà Chu, sáng hôm sau bà đến bệnh viện thăm con thấy con mặt tái mét nằm bất động như nằm chết vậy, không nhúc nhích.
“Cả cái máy đo nhịp tim cũng quá yếu, tôi biết không xong rồi. Tôi ở với con tôi hai ngày, vì không biết Anh ngữ, nên tôi cũng không biết hỏi tình trạng của con tôi như thế nào. Ðến sáng ngày 9 Tháng Giêng, tôi mới về nhà được một lúc thì bệnh viện thông báo cho gia đình tôi biết con tôi, Lâm Chí Cường đã chết vào lúc 11 giờ 8 phút.”
Bà ngậm ngùi kể tiếp: “Trong lúc đó chồng tôi đang bệnh nặng, thấy cảnh tàn nhẫn như vậy, nên đã ngất xỉu. Tôi biết là sức khỏe con tôi đã yếu sẵn mà lại bị đánh tàn nhẫn như vậy thì sẽ dẫn đến hậu quả khốc hại không thể lường trước được. Và tôi cảm thấy vô cùng hối hận về việc làm của mình khi gọi 911, thay vì cứu con thì lại giết con. Phải chi tôi kiên nhẫn một chút dỗ dành thuyết phục nó uống thuốc và đừng có gọi 911 thì con tôi, đứa con duy nhất sống với hai vợ chồng già gần đất xa trời này đâu có chết và đâu có cái cảnh đầu bạc khóc đầu xanh.”
Một gia đình HO bất hạnh
Theo lời kể của gia đình, Peter Lâm là con trai thứ ba của cựu Ðại Úy Lâm Văn Ngọc và bà Mã Thị Chu. Ông Ngọc là cựu SVSQ thuộc Ðại Ðội 6, khóa 16 Thủ Ðức, từng là trưởng ban 2 Chi Khu Tri Tôn, Mộc Hóa. Chức vụ cuối cùng của ông Chi Khu Phó Chi Khu Mộc Hóa thuộc tỉnh Kiến Tường. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông bị tù cải tạo, bị đưa ra Bắc, cho đến đầu năm 1982 thì được thả.
Ông Lâm Văn Ngọc thất thần trước tin con trai qua đời. (Hình: Huy Phương/Người Việt)
Ông bà có ba người con trai, nhưng khi ra tù, gia đình quá nheo nhóc, ông phải ôm thùng cà rem cây đi bán ở chợ Châu Ðốc, vợ thì làm bánh đi bán, nên phải gửi hai đứa con trai lớn về nương tựa bên ngoại.
Vì khác hộ khẩu với cha mẹ, nên năm 1995, khi sang Mỹ, theo danh sách HO 40 nhưng lại được đôn lên HO 30 gọi là RD30, hai cháu lớn phải ở lại Việt Nam. Con trai đầu là Lâm Anh Tuấn, 48 tuổi, là một giáo viên, mấy năm nay cũng mắc bệnh tâm thần, thêm một gánh nặng cho cha mẹ ở Mỹ.
Peter Lâm sinh năm 1982 tại Châu Ðốc, khi sang đến Mỹ là một người bình thường, theo học Golden West College được một năm thì trở bệnh, đã có lần bỏ nhà đi lang thang ở Los Angeles, bị cầm tù vì đói vào nhà dân kiếm thức ăn.
Nhờ có Bác Sĩ Lê Ðình Phước xác nhận bị bệnh tâm thần nên Peter Lâm được điều trị tại Patton State Hospital, San Bernadino.
Khi sang Mỹ, ông Ngọc đi làm ở chợ Á Ðông một thời gian, nhưng vì sức khỏe quá tệ, nên bị sa thải.
Gia đình đang chờ kết quả khám nghiệm về cái chết của Peter Lâm và không có khả năng lo việc chôn cất con mình.
Ông Phạm Ngọc Khôi, phó chủ tịch ngoại vụ Hội Ðồng Giám Sát, Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California, cho biết cộng đồng đã quyên góp được $1,500 để giúp gia đình nạn nhân và đang tìm kiếm một luật sư để lo vụ án này.
Hội SVSQ Thủ Ðức Nam California cũng đang kêu gọi các chiến hữu giúp đỡ cho ông bà cựu tù nhân chính trị Lâm Văn Ngọc.
Ðịa chỉ liên lạc: Ông Lâm Văn Ngọc và bà Mã Thị Chu, 8691 Westminster Blvd., Apt. L, Garden Grove, CA 92844, điện thoại nhà (714) 373-1697, điện thoại di động (714) 267-1848.
Huy Phương/Người Việt