Cách đây ít hôm, vào ngày 26-2, không quân Mỹ lần đầu tiên công bố hình ảnh về máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới nhất mang tên B-21. Đây được coi là thông tin được giới quân sự các nước rất quan tâm, trong đó có các chuyên gia quân sự Trung Quốc. Trung Quốc nghĩ sao về siêu máy bay này?
Được biết, B-21 có màu sơn đen, thiết kế gần giống với người tiền nhiệm B-2, không đuôi, hình tam giác, giảm tiết diện, độ tàng hình cao khiến cho radar của đối phương rất khó phát hiện trong quá trình tác chiến. Cũng giống như B-2, máy bay này cũng được Công ty Northrop Grumman chế tạo và cho đến nay, hãng này vẫn giữ bí mật tuyệt đối về những thông số kỹ thuật chi tiết của oanh tạc cơ này.
Theo giới chức Không quân Hoa Kỳ, siêu oanh tạc cơ B-21 sẽ sở hữu những tính năng nổi bật mà đối phương chưa từng được chứng kiến.
Do chưa chế tạo xong, nên không quân Mỹ chỉ mới công bố đồ họa và nó được gọi với cái tên tạm thời là B-21, khi được lựa chọn ra một tên gọi khác, phía quân đội sẽ đặt tên cho nó, Bộ trưởng Bộ không quân Mỹ - bà Deborah Lee James cho biết.
Vị Bộ trưởng này khẳng định: “B-21 sẽ cho phép Không quân Mỹ hoạt động trong những môi trường chiến đấu khắc nghiệt nhất trong tương lai. Nó sẽ giúp Mỹ xây dựng một hệ thống mạng lưới cảm biến cho phép tấn công các mục tiêu theo cách mà cả thế giới, bao gồm cả kẻ thù chưa từng được chứng kiến”.
Theo bà James, B-21 có thiết kế tương đồng với B-2 và sẽ sở hữu những tính năng, công nghệ đã được cải tiến từ chính chiếc B-2. Tờ Washington Post cho biết thêm, siêu máy bay ném bom chiến lược tầm xa tàng hình này sẽ thay thế cho các máy bay ném bom thế hệ cũ như B-1 và B-52.
Máy bay ném bom chiến lược B-2 của Hoa Kỳ
Hồi tháng 10-2015, Lầu Năm Góc đã công bố Northrop Grumman thắng gói thầu sản xuất loại máy bay này trong chương trình kéo dài nhiều thập niên, với chi phí có thể lên tới hơn 100 tỷ USD. Không quân Mỹ sẽ mua từ 80 đến 100 máy bay B-21, với giá dự kiến mỗi chiếc vào khoảng 564 triệu USD. Theo đó, công ty này sẽ nhận được khoảng 80 tỷ USD để sản xuất 100 máy bay B-21 trong thời gian tới.
Trả lời phỏng vấn của tờ Hoàn Cầu về việc nếu như Mỹ bố trí siêu oanh tạc cơ này gần Trung Quốc thì Bắc Kinh cần phải đối phó như thế nào? Chuyên gia quân sự Trung Quốc – Phó Tiền Tiêu cho biết, cũng giống như B-2, máy bay này cũng cần phải có sân bay chuyên dụng, như vậy số lượng sân bay để bố trí loại máy bay này ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là rất ít, hơn nữa chi phí cho việc này là rất tốn kém, chưa kể chi phí chế tạo, cho nên số lượng bố trí cũng giống như B-2, sẽ không nhiều.
Ngoài ra, máy bay này tuy tính năng tàng hình vượt trội B-2, nhưng đừng quên rằng, máy bay có thể tàng hình, nhưng sân bay thì không thể tàng hình. Bất kể máy bay tàng hình nào, chỉ cần cho dừng ngay tại sân bay (ý của chuyên gia là phá hủy ngay tại sân bay) thì tính năng tàng hình chẳng có ý nghĩa gì. Sân bay không giống như tàu sân bay, nó không chạy được, chuyên gia này nhấn mạnh thêm.
Theo vị chuyên gia này, khả năng Mỹ bố trí B-21 tại khu vực châu Á Thái Bình Dương là không cao. Hơn nữa cần phải xem xét đến độ tàng hình của loại máy bay này mạnh đến mức độ nào, công nghệ hiện nay có thể phát hiện được không, vẫn chưa thể nói trước được vấn đề gì, đây vẫn là một biến số.
Ông Phó Tiền Tiêu phân tích thêm, để đối phó với máy bay ném bom này dễ hơn máy bay chiến đầu tàng hình F-22. Do tính cơ động của loại máy bay ném bom hạn chế, một khi bị phát hiện, có thể sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công và bắn rơi nó.