Cơn mưa vào sáng ngày 10 tháng Năm đã kéo dài một giờ rưỡi với số lượng nước đo được gần 230 mm được xác nhận là
"cao nhất kể từ năm 2018 cho đến nay" khiến cho nhiều nơi ở Sài Gòn bị ngập nặng, các loại xe chết máy nằm la liệt trên đường.
Hình ảnh do các báo trong nước cho đăng tải lên, cho thấy tại những khu vực như ở phường Tam Bình (thành phố Thủ Đức), quận Bình Thạnh, nước bị ngập hơn nửa mét, qua thắt lưng người lớn, thậm chí một số nơi nước ngập quá nửa căn nhà, gây ra thiệt hại nhiều tài sản trong nhà cửa.
Chỉ có xe buýt còn chạy được trên đường trong lúc các xe hơi, xe gắn máy bị chết máy, nằm la liệt ở Sài Gòn do cơn mưa lớn hôm 10/5. (Ảnh: VNExpress)
Theo phóng viên báo VNExpress mô tả, nước đã ngập tràn vào nhà, cửa hàng bên cạnh xa lộ Hà Nội và cả vùng ven như huyện Hóc Môn, Củ Chi, khiến cho nhiều người phải vất vả ra sức tát nước.
Nhiều chủ cửa hàng hoặc tiểu thương bán ở chợ phải cho căng nylon, dựng tấm ván, đắp đê ngăn nước ngập có thể làm hư hỏng hàng hóa.
Trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn, nước ngập khiến cho xe hơi, xe gắn máy bị chết máy, trong lúc chỉ có xe buýt còn chạy được.
Còn theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, nhiều ống cống ở Thủ Đức do bị xuống cấp, lại bị rác thải và bùn đất bít kín khiến cho nhiều khu vực trở thành
"rốn ngập nước", nước dâng cao đến ngực người lớn, mỗi khi xảy ra cơn mưa to.
Nước ngập hơn thắt lưng người lớn hôm 10/5 tại phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, Sài Gòn. (Ảnh: Tiền Phong)
Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về thời tiết, cho hay những ngày vừa qua tại Sài Gòn có nắng nóng oi bức cùng với
"hiệu ứng đô thị" (?), khiến cho hơi ẩm bốc lên cao tích tụ rất nhiều.
Hiện tượng này kết hợp với
"rìa của khối khí lạnh và khô hơn" ở tầng trên khí quyển hội tụ cực mạnh tạo ra cơn
"mưa bất thường" như đã xảy ra hôm 10/5.
Chợ Thủ Đức đang nằm trong biển nước. (Ảnh: VNExpress)
Ngoài TP. Sài Gòn, các tỉnh ở Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai cũng có mưa lớn từ 100 đến 150 mm, gây ra ngập nặng ở các vườn trái cây, cô lập một số khu dân cư.
Ông Huy cũng đưa ra dự báo rằng từ nay đến ngày 14/5, số lần cơn mưa tại Sài Gòn và khu vực Nam Bộ sẽ có chiều hướng gia tăng, người dân cần chuẩn bị ứng phó với hiện tượng gió giật mạnh, lốc xoáy, sấm sét hoặc mưa đá.