Trước đây tôi nghĩ chồng học hành không đến nơi đến chốn nhưng kiếm ra tiền là được, nay thì nhiều khi tôi thấy xấu hổ vì chồng cái gì cũng không biết.
Đến giờ tôi mới thấy học thức thực sự rất quan trọng. Nhiều khi tôi còn thấy xấu hổ vì chồng cái gì cũng không biết.
Tôi 35 tuổi, đang làm công chức nhà nước ở huyện. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định về quê làm việc để được gần bố mẹ. Ra trường được hơn 2 năm thì tôi kết hôn, nhà chồng cách nhà tôi 3km, ngay xã bên.
Thực ra ngày tôi lấy chồng, nhỏ bạn thân tôi đã khuyên rằng nên suy nghĩ kỹ. Bạn tôi nói dù cô ấy không phân biệt, nhưng nếu có sự chênh lệch quá lớn về trình độ văn hóa thì khi lấy nhau về sẽ dễ bất đồng.
Khi ấy tôi học hết đại học, còn chồng tôi lại chưa có nổi tấm bằng tốt nghiệp cấp 3. Học hết lớp 10, anh bỏ học, ở nhà bán hàng cùng bố mẹ. Nhà anh có một đại lý chuyên kinh doanh đồ điện, điện tử lớn nhất huyện. Đúng là chẳng cần bằng cấp, bằng kinh nghiệm mà bố mẹ truyền dạy, chồng tôi vẫn duy trì việc buôn bán khá tốt.Thế nhưng sau khi cưới về, chúng tôi thường xuyên cãi cọ do có những quan điểm trái ngược nhau. Đi làm công việc áp lực, tôi về chia sẻ với chồng nhưng anh cũng chẳng hiểu. Cứ thế càng ngày tôi càng ít nói chuyện với chồng.
Đến khi có con, tôi rất chú trọng đến việc học hành của con, thì chồng tôi lại trái ngược hoàn toàn, anh nói học được thì học, không học thì thôi, sau này tiếp tục kinh doanh cửa hàng của bố mẹ.
Hai bé nhà tôi đều đang học cấp 1, thế nhưng hôm nào tôi bận, con hỏi bài thì bố đều không thể giảng giải cho con được. Những kiến thức sơ đẳng cũng khiến chồng tôi lúng túng.
Ngay cả những lần nhà ngoại có việc, chồng tôi ngồi nói chuyện với họ hàng nhà tôi cũng khiến tôi thấy xấu hổ vì những câu nói ngờ ngệch, thiếu hiểu biết xã hội.
Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản mỗi khi nói chuyện với chồng.
|