Kỹ thuật chế tác trang sức thủ công chỉ phục vụ riêng giới quý tộc thời xưa, không phải ai có tiền cũng có thể sở hữu.
Trang sức truyền thống TQ giá trị hơn cả túi cá sấu Hermes
Ngoài nội dung đặc sắc, những bộ trang sức tinh xảo, cầu kỳ trong Trân Hoàn truyện đã gây sự chú ý của người xem trong những năm vừa qua.
Trong Trân Hoàn truyện , người sở hữu nhiều trang sức phụ kiện giá trị không phải hoàng thượng hay thái hậu mà là Hoa phi, điểm nhấn là bộ mũ đội đầu được chế tác theo kỹ thuật Điểm thúy.
Theo The Paper (Trung Quốc), bộ mũ có giá bạc triệu, đắt hơn rất nhiều so với những chiếc tú da cá sấu Hermes hiện tại, dù có nhiều tiền đến đâu cũng khó mua được.
Trong quá khứ, trang sức chế tác theo kỹ thuật Điểm thúy là biểu tượng cho địa vị của một phi tần và chỉ 4 phi tử có cấp bậc cao nhất của hoàng đế mới có tư cách sở hữu.
Bởi để chế tạo theo công nghệ Điểm thúy sẽ rất tốn lông chim bói cá.
Nói một cách đơn giản, điểm thúy là kỹ thuật chế tác trang sức truyền thống của Trung Quốc. Thợ kim hoàn sẽ dán những chiếc lông màu xanh sáng trên lưng chim bói cá vào đế làm bằng vàng.
Phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con chim bói cá để hoàn thành một món đồ trang sức Điểm thúy. Người ta nói rằng, mũ phượng của hoàng hậu thời Minh cần sử dụng lông của 100.000 con chim bói cá và những chiếc lông đó phải được nhổ ra khi những con chim bói cá còn sống, để đảm bảo màu sắc tươi sáng của lông.
Chiếc mũ vàng gắn lông chim bói cá theo kỹ thuật Điểm thúy thời Thanh. Ảnh: The Paper
Có thể nói, nghệ thuật Điểm thúy là độc quyền của hoàng gia, tàn nhẫn và xa hoa, đằng sau vẻ đẹp tráng lệ là những sinh mệnh rỉ máu.
Do quy trình sản xuất tàn nhẫn và chi phí cao, Điểm thúy dần bị thay thế bằng kỹ thuật tráng men màu Enamel nhưng điều này không có nghĩa là trang sức được sản xuất theo kỹ thuật này sẽ có giá rẻ.
Nó cũng chỉ dành riêng cho giới quý tộc và rất đắt tiền.
Hầu hết khuyên tai của các nương nương trong Diên Hy công lược đều được chế tạo theo công nghệ tráng men Enamel.
Đây là phương pháp tạo men từ sự kết hợp giữa hạt thủy tinh bột với màu oxit kim loại nung ở nhiệt độ 800°C. Nguyên liệu chính là kim loại quý hiếm như vàng bạc, đồng thời trải qua 7 công đoạn thủ công phức.
Như Ý truyện cũng tương tự, mặc dù không xuất hiện trang sức quý giá Điểm thúy nhưng chiếc mũ phượng được chế tác theo kỹ thuật khảm hoa vủa hoàng hậu Như Ý cũng rất có giá trị.
Khảm hoa là kỹ thuật nung chảy vàng rồi kéo vàng thành một sợi mỏng hơn cả sợi tóc, sau đó kết hợp với các vật liệu như vàng bạc, đá quý, trải qua tám công đoạn mới có thể hoàn thành tác phẩm.
Vàng tuy có thể nấu chảy nhưng muốn có được sợi vàng mảnh như sợi tóc thì phải kéo hơn chục lần mới đạt hiệu quả như ý muốn.
Trang sức phụ kiện của hoàng đế càng cầu kỳ. Long bào của hoàng đế được dệt theo kỹ thuật kesi - kỹ thuật dệt hai mặt. Kỹ thuật kesi là hình thức dùng nhiều sợi chỉ đan kết vào nhau, vô cùng tỉ mẩn. Loại vải được dệt theo kỹ thuật kesi có giá rất đắt, được ví von là một "1 tấc vải kesi, 1 tấc vàng". Vải dệt theo kỹ thuật kesi là loại vải thủ công duy nhất ở Trung Quốc phải làm bằng tay, sao cho hoa văn hai mặt trước sau phải giống nhau.
Ngoài Kesi, long bào còn cần sử dụng nhiều vật liệu đắt tiền khác như vàng sợi, san hô, ngọc trai, lông công để dệt nên những hoa văn tinh xảo.
Trong Diên Hy công lược , một cung nữ đã tự sát vì lấy một chiếc lông công.
Theo ghi chép của tài liệu lịch sử đời Thanh - Duyệt thế biên , một lông công có giá hơn 50 lượng bạc và vào thời điểm đó, giá của một sợi lông công gần như bằng thu nhập của một gia đình bình thường trong hai năm.
Theo chuyên gia kỹ thuật dệt thêu Tông Phụng Anh, chi phí sản xuất một chiếc long bào vào thời nhà Thanh là một nghìn lạng bạc.
Nghề thủ công Trung Quốc phải "ngồi ghế dự bị"
Những tác phẩm nghệ thuật cung đình tuyệt sắc này có địa vị rất cao vào thời cổ đại nhưng khi thời gian trôi qua, chúng dần biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng Trung Quốc.
Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, nguyên nhân cơ bản khiến lĩnh vực thủ công truyền thống này bị "lạnh nhạt" ở Trung Quốc chính là nhu cầu đối với hàng thủ công truyền thống tại thị trường trong nước đang giảm dần, dẫn đến lợi nhuận thấp.
Cùng với sự ra đời của thời đại đại công nghiệp với hệ thống máy móc tiên tiến, nghề thủ công truyền thống trở nên kém hiệu quả hơn và trong môi trường lợi nhuận ít ỏi, ngành nghề này đương nhiên không thể phát huy hiệu quả.
Đặc biệt việc thế hệ trẻ theo đuổi sự hiện đại đã làm trầm trọng thêm sự xem nhẹ nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, giới thời trang Trung Quốc chưa linh hoạt ứng dụng thiết kế truyền thống trong các sản phẩm hiện đại.
Xét về quá khứ, nghệ thuật cung đình truyền thống không thể hình thành một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh do chế độ độc quyền của triều đình phong kiến xưa, chỉ được lưu giữ trong cung đình phục vụ tầng lớp quý tộc, không được lưu truyền trong dân gian, ví dụ vào thời Càn Long, men bị cấm nung nghiêm ngặt.
Cách tiếp cận thái quá như vậy đã trực tiếp dẫn đến thực tế là những kỹ thuật nghệ thuật truyền thống Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp lại vì không có người kế thừa.
VietBF @ Sưu tầm