Bạn có thể cần phải xét nghiệm máu khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc có bệnh lý cần kiểm tra máu. Hãy trang bị cho mình những kiến thức căn bản để có kết quả chính xác nhất nhé!
Ở một độ tuổi nhất định, bạn nên thực hiện các xét nghiệm máu như xét nghiệm đường huyết, tuyến giáp, calcium, vitamin D và nồng độ hemoglobin đều đặn để đảm bảo sức khỏe. Theo nguyên tắc, các phòng xét nghiệm sẽ chuẩn đoán kết quả của bạn dựa trên độ tuổi, tiền sử sức khỏe, gia đình và lối sống của bạn để đưa ra kết quả cuối cùng. Dưới đây là 9 điều không phải lúc nào bác sĩ cũng chia sẻ mà bạn nên biết về xét nghiệm máu để biết các kết quả chính xác nhất.
1/ Bạn có thể phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu
Một số loại xét nghiệm máu có thể yêu cầu bạn nhịn ăn trước khi tiến hành. Theo nguyên tắc chung, bạn không nên ăn trong 8–12 tiếng trước khi được xét nghiệm máu. Tuy nhiên, bạn cần phải xác nhận lại kỹ lưỡng với bác sĩ về vấn đề này. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên hút thuốc, nhai kẹo cao su hoặc tập thể dục trước khi xét nghiệm máu.
2/ Lượng máu có thể khác nhau tùy nơi xét nghiệm
Nếu bạn đã từng thắc mắc tại sao một số nơi khám lại rút nhiều máu hơn những nơi khác thì đừng lo lắng. Có nhiều xét nghiệm sẽ cần máu nhiều hơn một chút.
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy rằng mỗi ống lấy máu sẽ có nắp đậy khác màu nhau để các mẫu máu của bạn không bị lẫn lộn. Một số ống máu có chất bảo quản, một số ống được giữ ở nhiệt độ phòng trong khi những ống khác cần được đông lạnh. Do mỗi xét nghiệm máu yêu cầu điều kiện máu khác nhau nên việc lấy thêm máu là chuyện bình thường.
3/ Kết quả có thể khác nhau theo giới tính
Khi đã có kết quả xét nghiệm máu, bạn không nên lên mạng tra xem các chỉ số của mình có bình thường không vì kết quả xét nghiệm của mỗi người có thể rất khác nhau. Điều này đặc biệt đúng khi so sánh kết quả kiểm tra xét nghiệm máu giữa nam và nữ. Ví dụ, chỉ số tổng phân tích tế bào máu (CBC) bình thường ở nam giới là khoảng 5–6 triệu tế bào mỗi micro/lit, trong khi nữ giới chỉ có khoảng 4–5 triệu tế bào máu mỗi micro/lit.
4/ Kết quả có thể khác nhau tùy theo độ tuổi
Sự khác biệt của kết quả xét nghiệm theo độ tuổi là rất lớn, đặc biệt là giữa người lớn với trẻ em. Ví dụ, nồng độ hemoglobin bình thường đối với trẻ em là 11–13g/decilit (gm/dl) nhưng với người lớn là 13,5–17,5 gm/dl (đối với phụ nữ trưởng thành là 12–15.5 gm/dl). Bên cạnh đó, mức cholesterol và calcium cũng khác nhau theo độ tuổi.
5/ Kết quả có thể khác nhau theo nơi xét nghiệm
Trên thực tế, mỗi phòng xét nghiệm sẽ đặt ra các phạm vi tham chiếu khác nhau cho việci xét nghiệm máu. Vì vậy, kết quả xét nghiệm của bạn có thể tốt ở một phòng xét nghiệm song có thể có vấn đề ở một phòng xét nghiệm khác.
Ngoài ra, sự khác biệt về kết quả còn phụ thuộc vào thời gian xét nghiệm trong ngày và những gì bạn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm.
6/ Bạn sẽ có thể lấy máu mà không cần kim tiêm
Nếu bạn là một trong số những người sợ xét nghiệm máu vì kim tiêm thì đây là một tin vui cho bạn. Hiện đã có một thiết bị giúp bạn lấy máu mà không cần dùng tiêm và không đau. Không những thế, bạn còn có thể tự lấy máu tại nhà mà không cần sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bạn chỉ cần đặt thiết bị lấy máu này lên tay là sẽ có được lượng máu mình mong muốn nhanh như khi dùng kim tiêm.
7/ Bác sĩ thường không giải thích kết quả
Các bác sĩ có thể chỉ trả kết quả mà không giải thích thêm về chỉ số đường huyết, tổng số phân tích tế bào máu, sức khỏe tuyến giáp… nếu các chỉ số trên tốt. Tuy nhiên, bạn vẫn nên nhờ bác sĩ so sánh kết quả vừa nhận được với các kết quả xét nghiệm máu trước đó xem có gì bất thường hay không.
8/ Kết quả xét nghiệm máu có thể sai
Cũng giống như kết quả thử thai, kết quả xét nghiệm máu cũng có thể sai sót. Đôi khi, có những virus xuất hiện ngay sau khi bạn vừa xét nghiệm xong nên bạn vẫn có thể bị bệnh dù kết quả là âm tính. Vậy nên bạn hãy xét nghiệm lại nếu thấy các triệu chứng bất thường.
Nếu bạn bị nhiễm virus viêm gan C vài tháng trước đây, kết quả xét nghiệm máu có thể không hiển thị bất cứ điều gì nhưng bạn vẫn sẽ có một số triệu chứng. Kết quả dương tính giả cũng rất phổ biến khi xét nghiệm HIV.
Theo
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S. Centers for Disease Control and Prevention), trong cộng đồng nào có 1% người nhiễm HIV, khoảng 2 trong số 10 bài xét nghiệm được thực hiện sẽ cho ra kết quả dương tính giả.
9/ Kết quả có thể không phản ánh đúng bệnh
Không phải tất cả kết quả xét nghiệm máu đều phản ánh đúng bệnh tình của bạn. Kết quả này còn phụ thuộc vào những yếu tố môi trường như đồ ăn nước uống của bạn. Nếu bạn ăn đồ ngọt hay uống đồ uống có cồn thì kết quả xét nghiệm máu có thể sai.
Ngoài việc tìm hiểu những điều nên biết về việc xét nghiệm máu, bạn cũng cần thông báo cho bác sĩ biết tình hình sức khỏe của bản thân để có kết quả đúng hơn. Ngoài ra, bạn hãy so sánh kết quả mới với các kết quả cũ hơn để theo dõi các chỉ số của mình nhé.