Nói đến Lam Xung, ai cũng nhớ ngay tới hảo hán Lương Sơn võ nghệ cao cường với danh hiệu Báo Tử Đầu. Nhưng vị hảo hán được ngưỡng mộ nhất nhì Lương Sơn Bạc ấy lại là người có nhiều thiếu sót trong cách đối nhân xử thế. Đó là 4 "thói hư tật xấu"- ngụ ý thâm sâu của tác giả Thi Nại Am mà ít người biết
Thế nhưng, hầu hết chúng ta đều nhìn nhận nhân vật này thông qua hình tượng vai diễn trên các tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Trong khi đó, sự thực là Thi Nại Am khi viết Thủy Hử không hề xây dựng anh hùng Báo Tử Đầu thập toàn thập mỹ như vậy.
Dưới đây là tổng hợp các phân tích của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc được đăng trên trang Qulishi - bài viết đã chỉ ra tới 4 thiếu sót lớn trong cách đối nhân xử thế của nhân vật Lâm Xung cùng những ẩn ý từ phía tác giả.
1. Đối mặt với địch mạnh: Không dám ra tay
Trong các tác phẩm truyền hình, điện ảnh, Báo Tử Đầu Lâm Xung là một hảo hán được rất nhiều người hâm mộ. (Ảnh: Nguồn Internet).
Năm xưa, thê tử của Lâm Xung từng bị Cao Nha Nội chọc ghẹo giữa phố. Biết được điều này, Lâm Xung tóm ngay kẻ to gan ấy để trị tội. Nhưng một đòn trên tay chưa kịp hạ xuống, thì ông nhận ra đó là Cao Nha Nội, liền ngay lập tức nhụt chí.
Tay sai của họ Cao biện bạch lý do rằng chủ nhân của mình không biết đó là Lâm phu nhân. Lâm Xung không còn cách nào khác đành phải để chúng đi.
Tuy nhiên, dù đó có phải là vợ của Lâm Xung hay không, thì trêu đùa phụ nữ đã có chồng vốn chẳng phải chuyện hay ho gì.
Ngẫm lại, nếu ở vào thời khắc kia, Lâm Xung một đòn đánh xuống Cao Nha Nội, chỉ cần không chết người, cũng không để lại vết thương, rất có thể Cao Nha Nội đuối lý sẽ không có gan dám "cắn lại", mà bi kịch gia đình Lâm giáo đầu có lẽ đã không xảy ra.
Sau này, Lâm Xung nhiều năm chinh chiến cùng Lương Sơn, võ nghệ tuyệt thế, dũng mãnh hơn người. Dù vậy, có một sự thật khó phủ nhận là, khi đối mặt với những kẻ địch mạnh hơn, Báo Tử Đầu lại lựa chọn thái độ né tránh.
Trận Sử Văn Cung, Lâm Xung tránh đánh. Đối mặt với Trương Thanh, Lâm Xung không nghênh chiến. Trận đánh với Thạch Bảo, Phương Kiệt cũng vậy.
2. Đối mặt với người yếu thế: Cố tình gây khó dễ
Trong tiểu thuyết nguyên tác, hảo hán Lâm Xung cũng có những lúc cư xử có phần thất thố! (Ảnh: Nguồn Internet).
Vào đêm trả thù đám người Lục Khiêm, Lâm Xung chạy vào một căn nhà lá để tá túc. Bên trong căn nhà ấy có một ông lão già cùng vài đứa trẻ quây quần bên đống lửa.
Bấy giờ, Lâm Giáo đầu được họ cho nghỉ ngơi, cho hong khô quần áo. Biết được nhóm người ấy có một bình rượu, Lâm Xung nhiều lần ngỏ ý muốn mua, nhưng không được chấp thuận mà còn bị ông lão ngồi đó mắng cho một câu.
Nào ngờ lời nói ấy khiến Báo Tử Đầu tức giận, liền lấy một thanh củi đang cháy làm cháy râu ông lão. Đám người thấy vậy nhao nhao bỏ chạy, còn Lâm Xung thì thản nhiên lấy rượu uống say, sau đó bất tỉnh trong đêm tuyết.
3. Đối với ân nhân: Từ chối báo đáp!
Lâm Xung ngất đi trong tuyết, liền bị nhóm người kia trong căn nhà lá kia đưa về trang viên, may mắn gặp được Sài Tiến. Sài đại quan nhân viết một phong thư tiến cử cho Vương Luân ở Lương Sơn Bạc.
Khi đó, Lâm Giáo đầu đã bị phát lệnh truy nã. Nếu không có Sài đại quan nhân, vị Báo Tử Đầu ấy rất có thể đã chết rét trong đêm tuyết, hoặc bị nhóm người kia đánh chết, hay có khi bị quan phủ truy lùng bắt giết.
Sài Tiến là đại ân nhân trong cuộc đời Lâm Xung. Nhưng tiếc rằng, Lâm Giáo đầu chưa bao giờ báo đáp ân tình ấy.
Sài Tiến coi Vương Luân là cánh tay đắc lực của mình, mong muốn Lương Sơn Bạc trở thành chỗ dựa với hy vọng sau này nếu gặp khó khăn sẽ lên đây gây dựng sự nghiệp.
Nhưng Lâm Sung khi đã gia nhập Lương Sơn lại giết Vương Luân. Hành động này tương tự như việc Báo Tử Đầu vì một bình rượu đánh đuổi những người đã cho mình tá túc, sưởi ấm trong căn nhà lá ngày trước
Hơn nữa, Vương Luân từng đồng ý thu nhận Lâm Xung, lại là cánh tay đắc lực của Sài Tiến. Thế nhưng Lâm Giáo đầu trước nay chưa hề có suy nghĩ "vuốt mặt nể mũi", một đao hạ sát họ Vương, cắt đứt vây cánh của Sài Tiến.
4. Đối với huynh đệ: Ganh tỵ, tranh giành
Sự dũng mãnh trên chiến trường của Lâm Xung được hậu thế vô cùng ngưỡng mộ. (Ảnh: Nguồn Internet).
Nhớ năm xưa khi Tống Giang mang binh đại chiến Quang Thắng từng nói một câu:
"Tướng quân anh hùng, danh bất hư truyền!"
Những lời này lập tức chọc giận Lâm Xung, khiến Báo Tử Đầu bất bình mà nói:
"Huynh đệ chúng ta từ khi lên Lương Sơn, năm mươi bảy mươi trận lớn nhỏ chưa từng mất nhuệ khí. Sao hôm nay lại tự dập oai phong của mình?"
Quan Thắng chỉ đích danh Tống Giang lên nghênh chiến. Hai người nói qua lại mấy câu, Tích Lịch Hỏa Tần Minh sợ Tống Giang gặp nguy hiểm, liền trực tiếp xông lên đại chiến cùng Quang Thắng.
Lâm Xung sợ bị cướp công đầu, cũng múa Phi Thương ra để đánh. Sau đó dù Tần Minh đã quay về theo lệnh huynh trưởng, nhưng Lâm Xung vẫn ngần ngừ muốn ở lại.
Lâm Xung trước thì tức giận trước lời khen ngợi của Tống Giang dành cho Quan Thắng, đó là đố kỵ. Sau lại sợ Tần Minh đoạt mất công đầu, đó là tranh giành.
Không khó để nhận ra rằng, Lâm Xung trong nguyên tác của Thủy Hử thực chất là một anh hùng có ưu có khuyết, chứ không phải một hình mẫu hoàn hảo như chúng ta vẫn thường bắt gặp trên phim ảnh.
Nói ra những thiếu sót của Lâm Xung không phải nhằm mục đích bôi đen nhân vật ấy, mà để chứng minh cho chân lý "nhân vô thập toàn".
Gửi gắm vào nhân vật của mình những chi tiết như vậy, ngụ ý mà Thi Nại Am muốn nhắn nhủ hết sức thâm sâu: Sự thiếu sót trong cách đối nhân xử thế của Lâm Xung thực chất chính là những thói hư, tật xấu trong xã hội Trung Quốc thời xa xưa, mà ngay tới các anh hùng Lương Sơn cũng bị ảnh hưởng phần nào.