Người mẹ này muốn "độn thổ" trong tình huống này.
Trong hình dung của nhiều người lớn, toán tiểu học quả thực rất dễ, chẳng cần nghĩ gì nhiều cũng ra được đáp án. Tuy nhiên, không thiếu những bài tập toán tiểu học khiến phụ huynh phải giơ hai tay đầu hàng đâu.
Con của chị Trịnh Thu đang là học sinh tiểu học tại Trung Quốc. Trong một lần kiểm tra bài tập về nhà, người mẹ này phát hiện có một bài toán rất đơn giản, rõ ràng con làm đúng nhưng lại bị cô giáo chấm sai.
Cụ thể bài toán như sau: "Tham gia chương trình trại hè thể thao, mỗi trường sẽ bố trí 4 đội học sinh tham gia, mỗi đội được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm có 6 người. Hỏi mỗi đội có bao nhiêu người?".
Trước bài toán này, con của vị phụ huynh trên đặt phép tính: 3 x 6 = 18. Suy ra, mỗi đội có 18 người.
Nhìn lướt qua ai cũng thấy kết quả này đúng, không có gì phải bàn cãi. "Nhưng tại sao cô giáo lại chấm sai?" - người mẹ trên suy nghĩ. Có 2 trường hợp mà vị này đặt ra có thể là do cô vội nên chấm sai, hoặc cố tình chấm sai để "đì" con mình.
Thấy vậy, Trịnh Thu quyết định nhắn tin lên nhóm lớp để "dằn mặt" cô. Sau khi viết một đoạn tin nhắn dài phân trần mọi thứ, một vị phụ huynh khác trong nhóm lớp lên tiếng: "Cô có thể chụp bài làm của con lên nhóm lớp không?".
Người mẹ ngay lập tức làm theo yêu cầu của vị phụ huynh trên. Khoảng 5 phút sau, một người khác lên tiếng: "Bài làm của con cô chắc chắn sai rồi, lần sau xem kỹ rồi hẵng trách cô giáo nhé".
Trịnh Thu lúc này vô cùng bất ngờ, không biết mình đã sai ở đâu.
Không lâu sau, cô giáo liền lên tiếng giải thích: "Đề bài là hỏi mỗi đội có bao nhiêu người, số người là đơn vị tính. Do đó, cách viết chuẩn phải là là 6 x 3 (tức là 6 người gấp lên 3 lần). Dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 18 nhưng bản chất lại khác".
Nghe thấy vậy, người mẹ cảm thấy rất xấu hổ, liền phải thu hồi vội tin nhắn.
Thế mới thấy toán tiểu học tưởng đơn giản nhưng thực ra không đơn giản chút nào. Ở bậc học này, các em cần hình thành tư duy toán học cốt lõi, chứ không đơn thuần là đặt phép tính.
VietBF@ Sưu tập