Bạn có thể tự chủ động phòng ngừa tình trạng hình thành cục máu đông thông qua việc thay đổi lối sống hàng ngày.
Bạn có thể tự chủ động phòng ngừa tình trạng hình thành cục máu đông thông qua việc thay đổi lối sống hàng ngày.
Cục máu đông (huyết khối) là gì?
Theo các chuyên gia y tế, thông thường cục máu đông có tác dụng cầm máu khi cơ thể bị thương hoặc có những vết cắt. Hầu như cơ thể sẽ phá vỡ các cục máu đông sau khi vết thương của bạn đã lành lại.
Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, cơ thể không thể giải quyết được những cục máu đông này. Trong những lần tiếp theo, chúng sẽ hình thành bên trong mạch máu mà không rõ nguyên nhân. Cục máu đông tạo ra tắc nghẽn hoặc ngăn chặn sự lưu thông máu tới một phần của não có thể gây tai biến mạch máu não.
Khi xuất hiện cục máu đông tạo ra tắc nghẽn trong mạch máu não, có thể cản trở việc lưu thông máu và gây ra các vấn đề như đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm hoặc tổn thương của các khu vực não và có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho chức năng não.
Dấu hiệu cơ thể hình thành cục máu đông
Khi cơ thể xuất hiện cục máu đông, ban đầu bạn có thể không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào, chỉ khi số lượng các cục máu đông tăng nhiều hơn hoặc ngăn chặn lưu lượng máu thì cơ thể sẽ có những dấu hiệu như: Tay hoặc chân lạnh; đau cơ hoặc co thắt ở khu vực bị ảnh hưởng; có cảm giác tê hoặc ngứa ran ở cánh tay và chân; thay đổi màu da ở vùng da có cục máu đông.
Nguyên nhân gây cục máu đông
Các loại cục máu đông được hình thành khi dòng máu tiếp xúc với các chất trong thành mạch máu hoặc trên da của cơ thể. Tình trạng này là biểu hiện cho việc thành mạch máu đã bị vỡ hoặc bề mặt da bị tổn thương, khiến rò rỉ các tế bào máu ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, các mảng cholesterol (mảng xơ vữa) hình thành trong các động mạch, khi những mảng này bong ra sẽ kích hoạt quá trình đông máu. Hầu hết các cơn đột quỵ và đau tim xảy ra khi một mảng xơ vữa ở trong não hoặc tim đột nhiên bị vỡ/bong ra.
Hầu hết, các cục máu đông hình thành là do dòng máu của cơ thể chảy một cách bất thường. Nếu chúng nằm trong tim hoặc mạch máu, tiểu cầu có thể kết dính lại với nhau. Trong đó, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và rung tâm nhĩ là hai tình trạng dẫn đến đông máu do máu di chuyển chậm.
Cần làm gì để phòng ngừa hình thành cục máu đông
Bạn có thể tự chủ động phòng ngừa tình trạng hình thành cục máu đông thông qua việc thay đổi lối sống hàng ngày dưới đây:
Tập thể dục thường xuyên
Luyện tập vận động thể dục và thể thao với cường độ phù hợp giúp cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường - những yếu tố có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Bệnh nhân cần tránh lâu ngồi hoặc nằm, nếu có thể, nên vận động nhẹ nhàng trong khoảng 30 phút mỗi ngày.
Hạn chế hút thuốc và rượu bia
Việc hút thuốc lá và tiêu thụ nhiều rượu bia có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bằng thuốc. Do đó, việc hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố này sẽ giúp giảm nguy cơ xuất hiện cục máu đông.
Bổ sung thực phẩm có lợi
Các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có khả năng bảo vệ mạch máu như hành tây, tảo, đậu tương, gừng, nấm mộc nhĩ, nghệ và tỏi có thể giúp ngăn chặn xơ vữa, làm giảm nguy cơ đứt rạn mạch máu. Kiểm soát lượng chất béo trong khẩu phần cũng rất quan trọng để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
6 thực phẩm quen thuộc nên ăn để ngừa hình thành cục máu đông
Mộc nhĩ
Mộc nhĩ đen chứa vitamin K, canxi và các chất dinh dưỡng khác, có thể ức chế hiệu quả tình trạng tụ máu trong, ngăn ngừa triệu cục máu đông to dần lên. Tỷ lệ mắc bệnh huyết khối hay cục máu đông phổ biến ở lứa tuổi trung niên và lớn tuổi, vì vậy khuyến khích những nhóm người này nên ăn mộc nhĩ nhiều hơn.
Củ nghệ
Nghệ chứa curcumin, một hoạt chất có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Curcumin có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông bằng cách ức chế các tế bào tiểu cầu kết dính với nhau và giảm việc hình thành mảng bám trong mạch máu.
Curcumin cũng giúp cải thiện lưu thông máu và có thể hỗ trợ giảm mức độ của các yếu tố gây viêm trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý liên quan đến tắc nghẽn mạch máu như đột quỵ.
Củ gừng
Gừng được biết đến với các đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, có thể hỗ trợ trong việc ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Hoạt chất gingerol trong gừng có thể giảm thromboxane, một loại hormone gây ra sự kết tập tiểu cầu, từ đó giảm khả năng hình thành cục máu đông trong mạch máu.
Gừng còn có thể giúp loại bỏ các chất cặn và độc tố trong máu của chúng ta, rất có lợi trong việc duy trì sự ổn định của các mạch máu. Ngoài ra, gừng cũng chứa salicylates, chất tương tự mang lại đặc tính giúp làm loãng máu của aspirin.
Củ tỏi
Theo Medical News Today, một nghiên cứu năm 2020 đã phát hiện ra rằng bổ sung tỏi vào chế độ ăn của người bị tăng huyết áp giúp giảm huyết áp và chống huyết khối nhẹ. Vì vậy mà tỏi cũng không được khuyến khích ăn trước khi phẫu thuật do có thể ảnh hưởng tới chức năng của tiểu cầu và hoạt động đông máu.
Quế
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật đã chỉ ra rằng quế có thành phần coumarin có tác dụng đối với việc ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Warfarin - một loại thuốc chống đông máu cũng có nguồn gốc từ coumarin. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu trên người hơn để hiểu về liều lượng cần thiết cũng như chống chỉ định.
Bạch quả
Bạch quả, hay còn được biết đến với tên khoa học là Ginkgo biloba, chứa các hợp chất flavonoid và terpenoid có đặc tính chống oxy hóa mạnh, có thể hỗ trợ cải thiện lưu thông máu và bảo vệ mạch máu cũng như các vấn đề về trí nhớ.
Cụ thể, ginkgo biloba có thể giúp ngăn chặn sự kết tụ của tiểu cầu và do đó, giảm khả năng hình thành cục máu đông trong mạch máu. Điều này làm giảm nguy cơ phát triển các tình trạng nghiêm trọng như đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
VietBF@ sưu tập