Chính những quan chức "tai to mặt lớn" như Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Chủ tịch Quảng Ngãi Đặng Văn Minh…luôn đi rao giảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực lại bị bắt về tội nhận hối lộ.
Chỉ đến khi những bí mật về việc “ăn hối lộ”, “đi đêm với doanh nghiệp” bị cơ quan điều tra Bộ Công an khui ra, dân mới biết được sự thật.
Chuyên gia cho rằng, việc xử lý cán bộ kể cả khi đang đương chức như ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Lâm Đồng... vừa qua là bài học lớn về lựa chọn cán bộ.
Khi bí mật của Bí thư, Chủ tịch Vĩnh Phúc bị lộ?
Vừa qua, tại Việt Nam, một loạt bí thư, chủ tịch tỉnh, cả Bộ trưởng, thứ trưởng đều bị bắt về tội nhận hối lộ.
Mới nhất, Bộ Công an ra thông cáo về việc bắt 9 bị can, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa để điều tra về hành vi "nhận hối lộ".
Có thể nói, các đại án đăng kiểm, Việt Á, Vạn Thịnh Phát-SCB, AIC, Phúc Sơn…đều là những vụ án gây chấn động dư luận, lật tẩy "bộ mặt thật", "bí mật" của nhiều vị quan chức "miệng rao giảng đạo đức, bụng đầy toan tính thu lợi vào thân", hay như cách nói hình tượng đầy cay đắng của một số người "cán bộ tay trái cầm đao, tay phải nhận phong bì".
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói với báo Tuổi Trẻ, việc bắt các lãnh đạo đương chức như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh hay trước đó là bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình liên quan đến tham nhũng, tiêu cực… tiếp tục khẳng định "quyết tâm chính trị" rất cao của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, không vùng cấm, không có ngoại lệ.
"Bất cứ người nào vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, tùy vào mức độ đều bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc xử lý hình sự. Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm minh trong thời gian qua với các trường hợp cho thấy sự thực thi, vào cuộc chỉ đạo hiệu quả của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng bí thư".
Chuyên gia nêu rõ, đây là dấu hiệu, xu hướng "rất tích cực" cho thấy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh và không khoan nhượng, từ đó làm trong sạch bộ máy của Đảng, hệ thống chính trị, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đảng viên chân chính.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nếu trước đây, chúng ta hay thấy cán bộ nghỉ hưu ung dung thụ hưởng những thứ vơ vét được rồi mới phát hiện vi phạm và xử lý, thì nay, quyết liệt, mạnh mẽ hơn, rất nhiều cán bộ quan chức đương chức ở cả Trung ương lẫn địa phương không phải đợi "hạ cánh" rồi mới khui ra. Ông đề nghị sắp tới cần làm mạnh việc này hơn nữa.
"Những quan chức đương chức, đương quyền mà hư hỏng, phá hoại như vậy sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với những người đã rút lui".
Đồng thời việc xử lý quyết liệt, nghiêm minh như vậy thể hiện ý nghĩa cao hơn, mạnh mẽ hơn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
"Qua việc xử lý này gióng lên tiếng chuông, lời cảnh tỉnh sâu sắc với đội ngũ cán bộ, quan chức hiện nay là dù ở cấp cao, trung ương hay địa phương, nếu có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc ngay chứ không phải chờ đến lúc về hưu, nghỉ rồi mới xử lý", - PGS.TS Phúc nói.
Tay trái cầm đao, tay phải cầm phong bì?
Nhưng mặt khác, đây cũng là "dấu hiệu đáng buồn", theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, khi trong hàng ngũ, nhất là lãnh đạo chủ chốt ở một số địa phương, đã có những vi phạm rất nghiêm trọng.
Như An Giang, Quảng Ngãi là chủ tịch tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam nhưng Lâm Đồng và Vĩnh Phúc thì cả bí thư cùng chủ tịch tỉnh đều bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc ban đầu của cơ quan công an có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó, cả bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đều bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Chưa kể bí thư Vĩnh Phúc và Lâm Đồng đều là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan còn là ủy viên Trung ương Đảng ở khóa thứ 2.
"Là người nghiên cứu về Đảng nhiều năm, tôi thấy rõ có lẽ chưa có nhiệm kỳ nào trong lịch sử Đảng, dù chưa hết nhiệm kỳ nhưng đã phải kỷ luật, xử lý cán bộ cao cấp và cán bộ trong Trung ương nhiều đến như vậy".
Theo ĐBQH Vũ Trọng Kim, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua việc xử lý hình sự cả đương kim bí thư, chủ tịch ở Lâm Đồng hay mới đây là Vĩnh Phúc, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho thấy "sự việc rất đáng tiếc".
ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng đánh giá những sự việc tiêu cực vừa qua là "rất nghiêm trọng". Ông cho rằng, các bí thư, chủ tịch tỉnh như ở Lâm Đồng, Vĩnh Phúc bị xử lý hình sự vừa qua đều là những người thường xuyên đứng trên bục kêu gọi cán bộ, đảng viên thuộc quyền của mình phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
"Song chính bản thân họ nếu như cáo buộc thì đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dối trên dối dưới, vi phạm chính những điều họ hô hào chống".
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng có chung quan điểm nhìn nhận, ở Vĩnh Phúc hay Lâm Đồng đều là hai lãnh đạo đứng đầu tỉnh, còn Quảng Ngãi là chủ tịch tỉnh - đứng đầu chính quyền. Trong đó, bí thư tỉnh ủy còn là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Những cán bộ, lãnh đạo này từng thường xuyên đứng trên bục ở địa phương rao giảng đạo đức, rao giảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng thực tế lại tha hóa, biến chất, tham lam, tham nhũng, tiêu cực".
Ông cũng nói thêm, cả bí thư và chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đều bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ. Đây là điều rất đáng suy ngẫm, nhìn nhận thấu đáo và phải có biện pháp thực chất để xử lý, ngăn chặn.