Mỗi tháng Diễm My chi từ 35 - 45 triệu cho chi phí nuôi 30 con mèo.
“Tuy rằng ngoại hình mèo Sphynx có phần độc lạ, thậm chí nhiều người nhìn qua còn thấy… xấu nhưng tính cách của chúng lại rất tuyệt vời. Những chú mèo này vừa thông minh, tình cảm như cún; vừa nhẹ nhàng, độc lập giống mèo. Đó chính là lý do mà mình quyết định gắn bó với Sphynx”.
Đây là chia sẻ của Bùi Diễm My (Hà Nội) về cơ duyên của mình với giống mèo không lông Sphynx. Cô nàng Gen Z đang có công việc chính là kinh doanh và cho thuê nhà ở/homestay tại Hà Nội.
Bùi Diễm My và những chú mèo Sphynx
Khoảng 4 năm trước, My bắt đầu đón chú mèo Sphynx đầu tiên về nuôi. Hiện tại, cô cũng là một người nhân giống (breeder) với đàn mèo có khoảng 30 cá thể. Ước tính giá trị đàn mèo (theo số tiền nhập mèo bố mẹ và giá các bé mèo con) rơi vào khoảng 1,7 tỷ đồng.
Chi 35 - 45 triệu/tháng để nuôi mèo
Diễm My quyết định nghiêm túc với công việc nhân giống mèo vào năm 2021. Vì thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát và cô có nhiều thời gian ở nhà nên có thể chăm sóc mèo con kỹ lưỡng hơn. Công việc này với Diễm My cũng giống như một cái duyên, ngay từ lứa mèo đầu tiên, khi mèo mẹ còn mang bầu và mèo con chưa ra đời thì khách hàng đã đặt gần hết.
Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến cô bắt đầu và duy trì công việc này là vì rất yêu mèo con: “Cảm giác được chăm sóc từ khi mới lọt lòng và nhìn ngắm các bé lớn lên từng ngày cho tới khi chúng gặp được gia đình thứ hai của chúng rất tuyệt vời. Những khoảnh khắc hạnh phúc mà công việc này mang lại rất quý giá và ý nghĩa với mình”.
Hiện tại, nhà My nhân giống được khoảng 20 bé mèo con mỗi năm. Khi mèo con đủ 3 tháng tuổi và được 2 mũi vắc-xin là có thể về nhà mới. Với khách ở nước ngoài, mèo phải từ 4 - 6 tháng tuổi mới đủ điều kiện sức khỏe để bay đường dài.
Vốn được xem là thú cưng của giới thượng lưu, giá mèo Sphynx không hề nhỏ. “Ở trại nhà mình, mỗi bé mèo con có đầy đủ giấy tờ, phả hệ được cấp bởi Hiệp hội mèo quốc tế và phù hợp để nhân giống có giá từ 1000 USD (khoảng 24,6 triệu đồng, theo tỷ giá hiện tại) trở lên. Những bé được mua theo hình thức triệt sản làm thú cưng (không được phép nhân giống, kinh doanh) thì có mức giá thấp hơn một chút” - Diễm My cho biết.
Đương nhiên để có thể chăm sóc nhân giống và chăm sóc một chú mèo đắt đỏ như vậy, chi phí mà Diễm Mỹ bỏ ra hàng tháng cũng không hề nhỏ, con số thường dao động từ 35 - 45 triệu/tháng.
Các khoản chi phí cơ bản cho đàn mèo hàng tháng:
+ Tiền vệ sinh (cát vệ sinh, thảm lót): khoảng 4 triệu.
+ Tiền ăn uống (pate, raw food, hạt, sữa, thực phẩm chức năng): 15 - 18 triệu.
+ Tiền điện, nước: mùa hè khoảng 5 triệu, mùa đông giao động từ 10 - 13 triệu (do mùa đông cần bật sưởi và điều hoà).
+ Tiền thuê người dọn dẹp: 5 triệu.
+ Chi phí phát sinh (phí bảo dưỡng đồ dùng, đồ chơi, ổ đệm, áo, sữa tắm, dung dịch vệ sinh mèo,...): khoảng 5 triệu.
Đàn mèo được chăm sóc trong không gian sạch sẽ
Tủ đồ của các "boss" nhà My
Tăng thu nhập nhờ đầu tư vào thú cưng nhưng chỉ coi là nghề phụ
Đổi lại, việc nhân giống và bán mèo Sphynx cũng giúp Diễm My tăng thu nhập. Tuy nhiên với cô nàng, đây không phải là công việc chính mà mà chỉ là nghề phụ.
“Mình không đặt nặng vấn đề kiếm tiền từ thú cưng. Thú cưng suy cho cùng vẫn là để yêu thương, khi chúng ta có công việc và kinh tế ổn định mới nên nuôi chúng. Công việc chính của mình hiện tại là kinh doanh và cho thuê nhà ở, homestay tại Hà Nội. Ngoài ra cô cũng nhận một số công việc freelancer về thiết kế đồ hoạ” - Diễm My nói.
Hơn nữa nguồn thu nhập từ việc nhân giống cũng được My tái đầu tư vào đàn mèo như mua sắm cơ sở vật chất, nâng cấp thiết bị, chuồng trại cho các bé. Đây cũng chính là "quỹ lương hưu" dành cho mèo giống sau khi "giải nghệ" vì mèo cái sẽ được triệt sản khi được khoảng 4 tuổi và với mèo đực là khoảng 6 tuổi.
Khi mới lập trại, Diễm My phải đầu tư khá nhiều chi phí vì mèo nhân giống cần được sống trong môi trường lý tưởng nhất để giữ sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong nhà có các thiết bị dành cho thú cưng như điều hoà, máy lọc không khí, máy khí dung, máy tạo oxy, máy siêu âm,... để có thể sử dụng ngay lập tức khi cần. Bên cạnh đó đàn mèo được chia ra các khu riêng biệt như mèo đực, mèo cái, mèo bầu, mèo sơ sinh và mèo nhỡ để đảm bảo sức khỏe. Mỗi phòng như vậy đều có đầy đủ đồ chơi, máy dọn vệ sinh, máy ăn uống tự động và được giữ nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng.
“Hiện tại đàn mèo đang sống cùng nhà với mình để có thể chăm sóc và ở gần các bé nhiều nhất. Và tiêu chí quan trọng nhất về địa điểm nuôi mèo là phải thoáng mát, sạch sẽ, ưu tiên những khu vực có nắng sớm nhiều vì mèo là loài động vật ưa sạch sẽ, thích tắm nắng” - My chia sẻ.
Nhưng dưới góc độ một người nhân giống mèo, Diễm My cũng cho rằng việc đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực này ẩn chứa khá nhiều rủi ro:“Nhân giống là công việc cần nhiều thời gian để chọn lựa và nghiên cứu con giống, để ghép phối, để chăm sóc mèo cái mang bầu và chăm sóc mèo con, để tìm kiếm chủ mới,... nên đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ, việc sinh lời nhanh là không thể.
Rủi ro của nghề này cũng rất cao vì mèo là động vật sống nên nếu không chăm sóc cẩn thận sẽ rất dễ bị ốm, tốn nhiều chi phí chữa trị; nếu không tìm hiểu kĩ sẽ rất dễ mua phải những bé mèo bị tật, lỗi di truyền;... Hay nếu người bán không đủ năng lực nhân giống, mèo con không đẹp, không đạt tiêu chuẩn cũng sẽ dễ bị hoà tan vào làn sóng phá giá của thị trường dẫn tới lỗ vốn thậm chí là mất trắng”.
Với việc làm giàu từ nghề nhân giống mèo nói riêng và thú cưng nói chung, Diễm My cho rằng bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể làm giàu nhưng “quan trọng là tình yêu thú cưng tới đâu, tâm huyết với nghề ra sao và khả năng nắm bắt cơ hội”.
Thuê người giúp việc để chăm mèo, mất ăn mất ngủ khi mèo ốm
Với người bình thường, nuôi một vài thú cưng đã vất vả nên với trại mèo như nhà My, những khó khăn là điều không tránh khỏi.
Thời gian đầu Diễm My chỉ nuôi 6 bé mèo Sphynx làm thú cưng nên khi số lượng mèo tăng lên, cô cũng khá lúng túng trong việc chăm sóc, cuộc sống thường ngày bị đảo lộn. Về sau, khi được học hỏi kỹ càng, có nhiều kinh nghiệm chăm sóc thì mọi chuyện cũng suôn sẻ hơn. Hơn nữa gia đình Diễm My cũng rất yêu động vật, có thể phụ giúp trong việc chăm sóc mèo. Song song với đó My còn thuê người giúp việc để chăm mèo nên cũng không quá lo lắng khi không ở nhà.
“Nhưng vất vả nhất vẫn là lúc mèo bị ốm, lúc đó mình sẽ tự tay chăm sóc các bé. Mình không chỉ tốn chi phí chữa trị mà còn phải dành nhiều thời gian, đôi khi mất ăn mất ngủ. Nhiều lúc mình cũng mệt mỏi và buồn bã nhưng chỉ cần các bé khỏi bệnh và khoẻ mạnh mọi thứ đều không thành vấn đề. Việc mình đầu tư nhiều cho thiết bị y tế cũng vì muốn chăm sóc các bé tốt nhất. Ngoài ra mình cũng tìm bác sĩ thú ý ‘ruột’, có tâm và sẵn sàng đến trại chữa bệnh cho mèo, hạn chế đưa các bé đi thú y”- My tâm sự.
Chia sẻ về những trường hợp tai nạn chó mèo gây chú ý trên MXH gần đây, My cho biết nếu phải đưa mèo di chuyển xa như về nhà mới hay đi show, cô luôn lựa chọn những đơn vị vận chuyển lâu năm, uy tín. Nếu có thể, cô sẽ chọn phương án đi cùng với mèo và xách tay trong thời gian di chuyển để đảm bảo an toàn nhất.
Cô nàng luôn cố gắng đảm bảo an toàn nhất khi cho mèo di chuyển
Diễm My cũng cảnh báo một rủi ro khác là lạc mất thú cưng:“Mình từng chứng kiến rất nhiều bạn bè xung quanh vì bất cẩn mà lạc mất thú cưng, có người may mắn tìm lại được nhưng cũng có người không. Vậy nên mình rất quan trọng việc phòng tránh chuyện này. Tất cả cửa sổ trong nhà đều được rào lại bởi tấm lưới bảo vệ, ngăn các bé đi lạc ra ngoài. Mọi người trong nhà cũng luôn nhắc nhở nhau ghi nhớ việc đóng cửa mỗi khi ra vào, đây dường như đã trở thành một thói quen của gia đình mình”.
VietBF@ sưu tập