Thủ tướng Hungary Orban nói EU sẽ bị tàn phá kinh tế nếu áp lệnh cấm khí đốt Nga, khẳng định nước này muốn tập trung vào hòa bình.
"Hungary gần như là chính phủ duy nhất trên toàn châu Âu không nhắc về các lệnh trừng phạt và chiến sự, mà nói về mong muốn hòa bình và đầu tư cho hòa bình", Thủ tướng Hungary Viktor Orban trả lời phỏng vấn đài phát thanh Kossuth hôm 10/6 khi được hỏi về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tuyên bố của Thủ tướng Hungary được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang áp các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, mới nhất là lệnh cấm dầu và tiến tới kế hoạch cấm khí đốt nước này.
Hungary lên án sử dụng vũ lực ở Ukraine và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Kiev, song từ chối hỗ trợ vũ khí, đồng thời liên tục chỉ trích các kế hoạch cấm vận nhiên liệu hóa thạch Nga. "Nếu họ ban lệnh cấm vận khí đốt, họ sẽ hủy hoại nền kinh tế châu Âu", ông Orban cảnh báo.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trước quốc hội tại Budapest hôm 16/5. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tháng trước nhắc lại mục tiêu lâu dài của EU là "thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga, gồm khí đốt, dầu mỏ và than đá". EU đầu tháng 4 thông báo dự định dừng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
EU hôm 3/6 thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có lệnh cấm hoàn toàn dầu vận chuyển bằng đường biển. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo lệnh cấm dầu Nga có thể gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và là hành động "tự hủy" với EU.