Du xuân đầu năm, nhiều người ám ảnh bởi cảm giác mỏi nhừ, đau nhức vì giày cao gót. Áp dụng mẹo đi giày không đau dưới đây, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Dán băng gâu, miếng lót tránh phồng rộp: Giày mới mua, đặc biệt là giày da và giày cao gót thường có phần đường may nhô ra, gây đau rát, phồng rộp gót chân. Để khắc phục mà không cần dùng vật nhọn cắt phần đường may, bạn hãy tận dụng 2 miếng băng gâu hoặc miếng lót dán vào phía gót như hình. (Ảnh: Brightside, Internet)
Lớp bông mềm mại của băng gâu sẽ làm giảm cọ sát giữa giày và chân. Nhờ vậy, bạn tránh bị đau nếu phải di chuyển quãng đường xa.
Dùng băng gâu tránh mỏi: Giày cao gót rất tôn dáng song độ dốc của chúng dễ khiến phần mũi chân, bàn chân đau mỏi. Để giảm thiểu tình trạng, bạn có thể dùng băng gâu bao quanh ngón trỏ và ngón giữa. Như vậy, lực dồn lên mũi chân sẽ giảm đi đáng kể, tránh đau mỏi.
Tận dụng băng vệ sinh để hút ẩm: Giày thường được may kín để giữ nhiệt. Quá trình sử dụng, mồ hôi vùng chân tiết ra khiến giày dễ bị ẩm, sinh mùi khó chịu.
Trường hợp này, bạn hãy tận dụng 2 miếng băng vệ sinh làm đế lót. Khả năng thấm hút tuyệt vời của băng vệ sinh sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Mặt khác, dùng băng vệ sinh làm đế lót còn giúp mỗi bước đi êm ái hơn, phù hợp cho những chuyến du xuân đường dài.
Tận dụng lăn khử mùi: Lăn khử mùi rất hữu ích trong việc ngăn ngừa mùi hôi khi đi giày lâu. Điều đặc biệt, lăn khử mùi còn có khả năng giảm đau chân khi đi giày mới. Làm được điều này là nhờ lăn khử mùi có khả năng làm giảm ma sát khiến chân phồng rộp. Mẹo đi giày không đau này hiệu quả nhất với những đôi giày búp bê và giày cao gót.
Sử dụng kem dưỡng ẩm: Ngoài tác dụng chăm sóc da, kem dưỡng ẩm có thể làm mềm những đôi giày da mới của bạn. Khi thực hiện, bạn thoa chút kem dưỡng vào phần bên trong đôi giày, đặc biệt là những vị trí dễ bị trầy xước như gót hay mũi chân.
Sử dụng khoai tây: Đi đường xa với đôi giày chật thực sự là nỗi ám ảnh. Để giày rộng hơn, bạn có thể nhét vài củ khoai tây vào giày rồi để qua đêm. Sáng hôm sau, dùng khăn lau sạch lớp vải tiếp xúc với khoai là bạn có thể cải thiện độ rộng của giày.
Bảo vệ gót giày: Sẽ rất khó chịu khi đang đi thì gót giày mắc kẹt trên mặt đất. May mắn thay, chúng ta có thể giảm thiểu tình huống oái oăm này bằng bọc gót chất liệu polyvinyl clorua. Trên thị trường, bọc gót được sản xuất với nhiều màu sắc khác nhau, bạn có thể lựa chọn sao cho phù hợp với đôi giày của mình.
Keo xịt tóc giúp giày không bị trượt: Giày cao gót dễ gây tuột chân, nhất là những đôi giày quá rộng. Mặt khác, cấu tạo 2 bàn chân không phải lúc nào cũng đồng đều nên rất dễ gây nhấc gót. Để không gặp khó khăn trong khi di chuyển, bạn hãy xịt một lớp keo xịt tóc lên chân. Nó sẽ khiến chân bạn dính, cố định tốt hơn vào lòng giày.