Củ cải có nhiều công năng trị bệnh, đặc biệt trong mùa lạnh. Củ cải được ví như 'nhân sâm bình dân'. Dưới đây là 8 dược thiện từ củ cải hỗ trợ trị các bệnh tiêu hóa, hô hấp, tim mạch... thường gặp vào mùa lạnh.
Củ cải có tên khác là la bạc, la bạch, lai phục, lô phục.
Tên khoa học: Raphanus sativus L., họ Cải (Brassicaceae)
Củ cải có loại xanh, trắng, đỏ và củ cải đường, dùng sống hoặc dùng chín đều được.
Củ cải có tác dụng làm giảm mỡ, giảm béo, chống u bướu.
- Hạt củ cải (la bạc tử, lai phục tử): Có tác dụng hạ khí, tiêu thực, định suyễn, hóa đàm. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản gây ho có đờm, hen suyễn, đầy bụng không tiêu, đầy tức ngực, hội chứng lỵ.
- Lá củ cải (la bạc diệp): Có tác dụng hành khí, tiêu thực. Dùng cho các trường hợp đầy tức ngực bụng, nấc, nôn thổ, ăn kém, không tiêu, đau họng, tắc sữa, ít sữa, tả lỵ.
Thành phần dinh dưỡng: Trong 100g củ cải có 95,04g nước; 0,67g protein; 0,24g chất béo; 3,43g carbohydrat; 1,83g đường; 1,6g chất xơ; 17mg calci; 0,15mg sắt; 9mg magie; 24mg photpho; 285mg kali; 249mg natri; 0,7mg selen; 15,1mg vitamin C; 0,15mg vitamin B3; 17mg folate; 6,8mg cholin. Cho 17 calo.
+ Củ cải trắng: Có 92% nước; 1,5% protein; 3,7% glucid; 1,5% cellulose; Ngoài ra còn có raphanin, vitamin C và một số acid amin hay acid thơm.
+ Củ cải đỏ: 86% nước; 1,3% protein; 10,8% glucid; 0,9% cellulose và một số chất khác.
Tính vị qui kinh: Vị ngọt cay, tính lương; vào phế, tỳ, vị.
Công năng chủ trị: Kiện tỳ, tiêu thực, hạ khí hóa đàm, tiêu tích, khoan trung, sinh tân, giải độc. Dùng cho các trường hợp thực tích (tiêu hóa) đầy trướng, bí tiện, ho nhiều đàm, khản giọng mất tiếng, khái huyết, chảy máu cam, bệnh đái tháo đường, hội chứng lỵ, hen suyễn.
Liều dùng cách dùng: 50 - 300g dưới dạng ép nước, nấu, hầm.
Kiêng kỵ: Không có kiêng kỵ đặc biệt.
8 thực đơn chữa bệnh từ củ cải
1.Củ cải luộc: Củ cải 250 - 500g luộc chín, ăn nóng 1 - 2 lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp đầy trướng bụng không tiêu.
2. Nước ép củ cải: Củ cải 500g để tươi hoặc luộc chín, ép lấy nước, hòa thêm đường phèn cho uống. Dùng cho các trường hợp hen suyễn, viêm khí phế quản mạn tính, ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt đờm nhiều, khái huyết, thổ huyết, ho khạc đờm lẫn huyết.
Nước ép củ cải đỏ.
3. Nước ép củ cải tươi: Nước ép củ cải tươi 100 - 200ml, ngày uống 2 lần. Dùng cho các trường hợp tăng huyết áp (sinh tân lương huyết), viêm loét miệng.
4. Nước hồ hạt củ cải: Hạt củ cải tươi giã nghiền nát, mỗi lần uống 6g, uống với nước hồ loãng, ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp phát ban sởi đậu hoặc phát ban do nhiễm siêu vi trùng, trước và sau khi nổi ban có ho suyễn.
5. Nước ép củ cải gừng tươi: Gừng tươi, củ cải liều lượng tùy ý, ép lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp khản giọng, mất tiếng, lợm giọng, buồn nôn, nôn thổ.
6. Canh súp thịt dê củ cải: Thịt dê (dương nhục) 250g, củ cải trắng 200g, thảo quả 3g, trần bì 3g, riềng 6g, lá lốt 3g, bột tiêu 3g.
Thịt dê làm sạch luộc chín để ráo nước thái lát. Củ cải rửa sạch thái lát. Thảo quả, trần bì, riềng... tùy loại đập giập, thái vụn gói trong vải xô. Hành, lá lốt, bột tiêu và các gia vị khác đều được chuẩn bị sẵn.
Tất cả cho vào nồi, thêm nước đun sôi, vớt bỏ váng bọt, đun nhỏ lửa cho chín nhừ. Loại bỏ gói dược liệu, gắp bỏ bã gừng hành, thêm gia vị thích hợp. Cho ăn nóng 1 - 2 lần trong ngày. Dùng cho người đau quặn bụng do tỳ vị hư hàn, nôn oẹ, tiêu chảy.
7. Canh cá diếc củ cải: Cá diếc 200g, củ cải 100g. Cá làm sạch, củ cải thái lát. Nước nấu sôi, thả cá, củ cải vào, thêm gừng, hành tươi đập giập và gia vị hầm nhừ. Khi ăn thêm tương dấm hoặc vắt chanh (nếu có thể cho khế cùng hầm). Ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy bụng, lạnh bụng không tiêu, ăn kém, suy nhược cơ thể.
8. Nước cải củ tươi: Củ cải hay cả cây cải tươi. Giã nát vắt lấy nước cho uống. Trị ngạt do khói than (Nam dược thần hiệu).
VietBF @ Sưu tầm