Biển Wadden thực tế là một vùng đất bị ngập nước biển khi triều lên hay còn gọi là đới gian triều. Vùng biển này nằm ở phần Đông Nam của biển Bắc. Nó kéo dài từ Den Helder ở phía tây bắc Hà Lan qua các cửa sông lớn của Đức tới Blåvandshuk của Đan Mạch.
Đây là mạng lưới bãi bồi và cát bãi triều lớn nhất thế giới với chiều dài đường bờ biển khoảng 500km và tổng diện tích khoảng 10.000km2.
Đặc trưng của biển Wadden là các bãi đất lầy và thoải rộng, các rãnh thủy triều sâu, được tạo ra từ những trận sóng cồn lớn trong trong thế kỷ 14 và 15.
Mỗi ngày 2 lần bãi biển Wadden lại biến mất do thủy triều rút để lộ ra phần thềm bùn rộng lớn trải dài tới 15km. Chính vì vậy mà Wadden còn được gọi là “bãi biển biến mất hai lần một ngày”.
Khu vực này là "một trong những hệ sinh thái gian triều (vùng đất thủy triều lên, xuống) cuối cùng trên thế giới".
Biển Wadden là nơi có tính đa dạng sinh học cao. Nơi đây là nhà của khoảng hơn 10.000 loài động thực vật, từ những sinh vật siêu vi cho tới các loài cá, chim và động vật có vú.
Đây cũng được coi là một trong những khu vực quan trọng nhất với các loài chim di cư. Theo ước tính, có hơn 10 triệu con chim Châu Phi-Âu-Á ghé thăm các vùng đất ngập nước này hàng năm.
Năm 2009, UNESCO đã công nhận phần biển Wadden thuộc Đức và Hà Lan là di sản thế giới. Đến năm 2014, phần biển Wadden thuộc Đan Mạch cũng được công nhận.