Con người dù sung sướng đến đâu cũng có lúc phiền muộn. Nỗi phiền muộn tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và trong mỗi cung bậc đều phải có cách giải quyết. Sau đây là 7 bước để vượt qua nỗi muộn phiền.
Nỗi buồn của con người bắt nguồn từ những khó khăn của cuộc sống và tồn tại dưới nhiều trạng thái khác nhau. Có những nỗi buồn nhẹ, buồn vu vơ, hay buồn da diết, buồn đau quằn quại… Tuy nhiên, dù là trạng thái buồn ở mức độ nào, nếu không có sự kiểm soát, không nhận diện ra được nỗi buồn trong lòng mình để tìm kiếm phương cách giải quyết thì hậu quả vẫn rất đáng lo ngại.
Đức Phật đã từng dạy: “Đạo không nằm trên bầu trời, đạo nằm trong tim” và chỉ có người nào nhận thức được về mình thì người đó mới thức tỉnh. Trong trường hợp này, nếu như chúng ta gặp chuyện buồn, khoan hãy vội buông xuôi.
Hãy bình tâm suy nghĩ để nhận diện nỗi buồn trong lòng mình: Nó diễn ra như thế nào? Bao lâu và do nguyên nhân gì. Từ những phân tích đó chúng ta mới dần dần ngộ ra những cái đúng, những cái sai và tìm ra phương cách giải quyết phù hợp cho vấn đề của chính mình, tránh được hệ lụy xấu xảy ra như nhiều trường hợp kể trên.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị tu sĩ Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Thầy đi khắp thế giới để truyền dạy và viết hơn 100 cuốn sách về Phật giáo. Sau đây là 7 bước vượt qua phiền muộn của thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Bước 1 – Mỗi khi bạn nhận ra những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đang nhen nhóm trong mình, thay vì cố chối bỏ và gạt chúng sang bên, hãy nhìn nhận chúng một cách nghiêm túc.
Bước 2 – Hãy làm rõ từng cảm xúc khó chịu của bạn bằng cách xác định suy nghĩ cụ thể nào đang khiến bạn khổ sở. Đó có phải là do bạn tự dằn vặt bản thân, hay những ký ức đau khổ, hay nỗi sợ hãi mơ hồ về tương lai? Bất kỳ suy nghĩ nào gây khó chịu cho bạn, bất kể trong hiện tại, quá khứ hay tương lai đều có thể áp dụng phương pháp này.
Bước 3 – Tiếp đến, xác định cụ thể những cảm xúc đang dâng lên trong bạn là kết quả của những suy nghĩ nói trên. Chúng có cảm giác ra sao? Bạn có thấy lồng ngực của mình bị siết lại? Dạ dày bạn quặn lên hay có cảm giác đau nhói trong đầu? Tương tự, mọi cảm xúc tiêu cực bạn nếm trải cũng đều có thể áp dụng phương pháp này.
Bước 4 – Một khi đã xác định rõ ràng những suy nghĩ và cảm xúc đó, hãy nhắm mắt và để chúng tự hoà quyện với nhau thành những hình ảnh ý niệm (khi đã quen với việc này, bạn sẽ không cần nhắm mắt lại nữa mà vẫn có thể vừa làm việc khác vừa thực hành điều này). Những suy nghĩ và cảm xúc đó có tạo nên trong bạn những hình hài, màu sắc hay nhân vật nào không? Chúng mờ mịt hay rất rõ ràng? Điều quan trọng là bạn hãy thả lỏng cho chính những cảm xúc và suy nghĩ của mình tạo nên những hình ảnh tưởng tượng đó trong khi bạn chỉ đơn giản là nhận thức chúng thôi.
Bước 5 – Hãy giữ hơi thở. Xin chúc mừng vì bạn đã hoàn thành được một nửa chặng đường! Chúng ta thường có khuynh hướng tự ngăn mình tiếp cận với các cảm xúc và suy nghĩ khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, và tự nhủ với mình rằng sẽ đối phó với chúng sau, nhưng thành thực mà nói thì hầu như chúng ta không bao giờ làm vậy. Vì vậy, riêng chuyện bạn dành thời gian để nghiêm túc đối mặt và nhìn nhận những suy nghĩ và cảm xúc khó chịu của mình đã có thể xem là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, chúng ta không ngừng tại đây, bởi vì chính từ đây những điều thực sự tốt đẹp mới bắt đầu diễn ra.
Bước 6 – Đây là bước mà mọi thứ bắt đầu thay đổi. Một khi bạn đã có được hình ảnh ý niệm từ những suy nghĩ và cảm xúc của mình (mà kể cả chẳng có hình ảnh nào trong đầu cả thì bài tập này cũng rất có ích), hãy hình dung bạn đang ôm trọn những hình ảnh đó trong vòng tay như người mẹ nâng niu đứa trẻ sơ sinh. Hãy tưởng tượng bạn đang bảo bọc những suy tư và cảm xúc đó của mình trong một chiếc chăn ấm áp và đầy yêu thương.
Bước 7 – Tiếp đến, hãy tự nhủ với mình (không thành tiếng hoặc thành tiếng) như đang nói với những hình ảnh tưởng tượng đó rằng bạn thực sự quan tâm trân trọng và yêu thương chúng như một phần thuộc về mình cho đến khi chúng sẵn sàng để ra đi. Hãy cố gắng nói những điều đó thật chân thành từ trái tim.
Therealtz © VietBF