Cholesterol trong chế độ dinh dưỡng của bé
Tác giả: Ban biên tập HelloBACSI
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Opens in new window)
Chia sẻ trên Skype (Opens in new window)
Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Opens in new window)
Cholesterol trong chế độ dinh dưỡng của bé
Rất nhiều người không nhận ra rằng nồng độ cholesterol cao có thể bắt đầu xuất hiện từ thời thơ ấu. Nồng độ cholesterol cao có thể sẽ tiếp tục tăng khi đứa trẻ lớn lên thành một thiếu niên và người lớn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bé bị các bệnh liên quan đến nồng độ cholesterol nếu bé có nồng độ cholesterol cao trong máu từ nhỏ.
Nồng độ cholesterol cao gây những nguy cơ gì?
Cơ thể bé cần một lượng cholesterol nhất định để bảo vệ dây thần kinh, sản xuất các tế bào và các loại hormone nhất định. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol sẽ gây hại cho mạch máu: cholesterol sẽ bám dọc các thành mạch máu bằng dưới dạng mỡ dính được gọi là “mảng bám”. Các nghiên cứu cho thấy mảng bám có thể bắt đầu hình thành ngay từ thời thơ ấu khi nồng độ cholesterol của bé cao.
Nồng độ cholesterol cao sẽ làm tăng nguy cơ bé bị bệnh tim và đột quỵ khi lớn lên. Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nhiều nước. Nguy cơ sẽ cao hơn ở những người có tiền sử gia đình bị bệnh tim, tiểu đường, béo phì hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh, không có hoạt động thể thao hoặc có thói quen hút thuốc.
Cholesterol đến từ đâu?
Chất béo này có chủ yếu trong thực phẩm, từ các sản phẩm làm từ động vật như trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, gan trong cơ thể cũng tạo ra rất nhiều cholesterol.
Sự khác biệt giữa cholesterol có lợi và cholesterol có hại là gì?
Lipoprotein mật độ thấp (LDL) thường được gọi là cholesterol có hại. Một số người tạo ra quá nhiều LDL. Nồng độ LDL cũng có thể tăng khi bé ăn các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
Lipoprotein mật độ cao (HDL) thường được gọi là cholesterol có ích và có chức năng loại bỏ cholesterol ra khỏi máu. Nồng độ HDL hợp lý có thể giúp bảo vệ bé chống lại bệnh tim. Tập thể dục có thể làm tăng lượng HDL cholesterol mà cơ thể sản xuất ra. Không nên cho bé dùng chất béo bão hòa và khuyến khích trẻ duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để làm tăng nồng độ HDL.
Nếu tổng nồng độ chất béo này cao do có nồng độ LDL cao, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn. Nhưng nếu tổng nồng độ cholesterol của bé cao vì nồng độ HDL cao, các nguy cơ mắc bệnh sẽ không tăng.
Con bạn có nên được xét nghiệm nồng độ cholesterol?
Hầu hết trẻ em không cần phải kiểm tra cholesterol, trừ khi tiền sử gia đình có người bị hoặc bé mắc bệnh tiểu đường.
Trong hầu hết các trường hợp, ăn uống lành mạnh và tập luyện thể thao là sự lựa chọn hàng đầu để giảm nồng độ chất béo này ở trẻ em hay thiếu niên. Nếu ăn uống và tập thể dục vẫn không hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét việc sử dụng thuốc hạ cholesterol. Trẻ có thể cần uống thuốc nếu trẻ mắc bệnh tiểu đường, đang bị thừa cân hoặc béo phì.
Không phải tất cả các loại thuốc đều an toàn khi sử dụng ở trẻ em, vì vậy đừng tự ý cho trẻ dùng thuốc hạ cholesterol mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
|