Cách để bạn nhận biết sốt xuất huyết
Thông thường chúng ta sẽ nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng lâm sàng của nó. Sốt xuất huyết thường kéo dài khoảng từ 7 đến 10 ngày, các giai đoạn mà một người phải trải qua khi mắc bệnh là:
1. Thời kỳ ủ bệnh
Tùy vào sức khỏe, cơ địa của mỗi người mà thời gian ủ bệnh có thể dài hay ngắn và thông thường sẽ kéo dài khoảng 3 – 14 ngày. Thời kỳ này cũng khó có cách để nhận biết sốt xuất huyết vì thường không có triệu chứng và nếu có thì cũng rất mờ nhạt.
2. Khởi phát
Người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, đau nhức ê ẩm khắp toàn thân, đau các khớp rồi sau đó là sốt cao đột ngột.
Khi sốt nhiệt độ tăng nhanh lên đến 39 – 40 độ C kèm các biểu hiện như chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau vùng thượng vị và hạ sườn phải, có khi có cảm giác đau sau hố mắt hoặc đau vùng trán.
Nếu ở trẻ em thì thêm một cách nhận biết sốt xuất huyết nữa là một số trẻ có biểu hiện co giật khi sốt cao. Thông thường, các bé có thể sốt liên tục trong khoảng 2 đến 7 ngày. Ở một số trẻ có khi sốt lại biểu hiện qua 2 pha: sốt 1 – 2 ngày đầu rồi hết trong khoảng ngày thứ 3 – 4 sau đó lại sốt lại vào ngày 5 – 6.
3. Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn này xảy ra từ ngày thứ 3 – 7 sau khi sốt. Lúc này tùy vào mỗi người mà có thể có diễn biến nặng hơn. Một số biến chứng có thể xảy ra lúc này là:
•Xuất huyết dưới da rải rác ở mặt trước cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi hay mạng sườn
•Chảy máu mũi, lợi, đi tiểu ra máu (biểu hiện của xuất huyết niêm mạc) với phụ nữ thì kinh nguyệt có thể kéo dài hoặc có sớm.
•Xuất huyết nội tạng nếu bệnh diễn biến nặng hơn
•Tràn dịch màng phổi, màng bụng khiến da bị căng, phù nề mí mắt và gan to (nguyên nhân là tăng tính thấm thành mạch do thoát huyết tương)
•Bứt rứt, khó chịu, tím tái lạnh các đầu chi, mạch nhỏ khó phát hiện cũng do ảnh hưởng từ việc thoát huyết tương
•Cơn đau bụng từng đợt và có xu hướng tăng lên
•Nôn nhiều hơn
•Lượng nước tiểu giảm và người bệnh trở nên lừ đừ
Dấu hiệu cuối cũng báo hiệu cho tình trạng có thể có sốc do giảm thể tích lượng máu trong hệ tuần hoàn. Nếu nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu sốc cần phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Nếu được phát hiện và truyền loại dịch phù hợp kịp thời thì các tình trạng trên sẽ được phục hồi.
4. Giai đoạn phục hồi
Giai đoạn này xảy ra sau 1 – 2 ngày khi trải qua giai đoạn nguy hiểm và thường kéo dài khoảng từ 48 – 72 giờ. Lúc này, cơ thể người bệnh có dấu hiệu phục hồi và khỏe lên dần bằng chứng là người bệnh hết sốt, tỉnh táo hơn, ăn uống thấy ngon miệng hơn và có thể sinh hoạt bình thường. Giai đoạn này không nên truyền quá nhiều dịch bởi có thể gây phù phổi hoặc suy tim.
Mời bạn tham khảo bài viết: Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em: Triệu chứng và hướng điều trị
Sốt xuất huyết diễn tiến với những biến chứng vô cùng nguy hiểm nên chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Trước tình trạng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hữu hiệu thì việc tuân thủ cấc nguyên tắc phòng chống bệnh và học cách nhận biết các dấu hiệu của sốt xuất huyết là cực kỳ quan trọng và cấp thiết.
|