CÁC MÁY KHỬ RUNG TIM : KỸ THUẬT MỚI ĐỂ CÁC SỐC ĐIỆN NHẸ NHÀNG HƠN.
GS Xavier Jouven, thầy thuốc chuyên khoa tim thuốc bệnh viện châu Âu Georges-Pompidou, chuyên gia về các rối loạn nhịp, bình luận những kết quả thỏa mãn của một phương pháp cải tiến để bình thường hóa những rối loạn nhịp.
Hỏi : Trong số nhưng rối loạn nhịp tim, những rối loạn nào thường xảy ra nhất ?
GS Xavier Jouven : Đó là những rung nhĩ (fibrillation auriculaire) do một sự co bóp hỗn loạn của các tâm nhĩ. Khi đó tim đập nhanh hơn và không đều. Máu ứ động trong các tâm nhĩ, với sự đe dọa tạo thành cục máu đông cao hơn nhiều. 1% dân số ở Pháp bị liên hệ một cách tạm thời hay mãn tính. Không điều trị, biến chứng đáng sợ nhất là tai biến mạch máu não. Các rung thất, ít gặp hơn, nhưng trầm trọng hơn nhiều. Không được cấp cứu, chúng gây nên chết đột ngột trong vài phút.
Hỏi : Tất cả chúng ta, vào một lúc nào đó, bị hồi hộp. Làm sao ta đảm bảo chẩn đoán chính xác.
GS Xavier Jouven : Vài trường hợp rung nhĩ không có triệu chứng, nhưng thường nhất, chúng được thể hiện bởi triệu chứng hồi hộp với thời gian kéo dài lâu hay mau, đôi khi được liên kết với một sự khó thở. Để xác lập chẩn đoán, nếu điện tâm đồ cổ điển không đủ, ta sử dụng một Holter (máy được bệnh nhân mang theo trên người), ghi tim đập trong 24 giờ. Khi những đợt hồi hộp tạm thời nhưng xảy ra liên tiếp, cần ghi nhiều lần để có thể bắt gặp một đợt rung nhĩ. Trong vài trường hợp, ngay cả cần phải cắm dưới da ở vai một máy ghi nhỏ, sẽ ở tại chỗ trong nhiều tháng.
Hỏi : Hiện nay đối với rung nhĩ ta có điều trị nào ?
GS Xavier Jouven : Có hai phương thức. 1. Điều trị bằng thuốc với những thuốc chống loạn nhịp phối hợp với những thuốc làm loãng máu (fluidifiant) để tránh tai biến mạch máu não. 2. Phát một sốc điện ngoài (choc éléctrique externe) (cần gây mê tổng quát thời gian ngắn). Phương thức nhằm đặt 2 patch trên ngực để “ kẹp tim giữa hai gọng kềm ” (prendre le cœur en tenailles). Các patch này được nối với một máy khử rung ngoài (défibrillateur externe), gởi một dòng điện có cường độ mạnh hơn. Phương cách này gây nên sự co thắt của tất cả các tế bào của tim, “ bẽ gãy ” loạn nhịp. Trong 90 đến 95% các trường hợp, đồng hồ của tim khởi đầu lại với nhịp bình thường. Nhưng phương pháp này có những bất tiện : sốc điện có thể làm thương tổn các mô da (với những vết bỏng).
Hỏi : Lần này làm sao ta ngăn cản các rung thất đe dọa tính mạng ?
GS Xavier Jouven : Để được như thế, ta cắm một máy khử rung dưới da, nối với tim bằng những sonde điện. Trong trường hợp cần, chúng phát ra một sốc điện rất đau đớn. Chấn thương thô bạo này gây cho các bệnh nhân sự lo âu về một tái phát. Nhưng hệ thống này hiệu quả hơn nhiều so với các loại thuốc.
Hỏi : Để giảm đau do sốc điện, phương thức mới là gì ?
GS Xavier Jouven : Một công trình nghiên cứu quốc tế rất đầy hứa hẹn vừa được thực hiện bởi những kíp quốc tế : các nhà nghiên cứu (của CNRS de Lyon), Đức và Hoa Kỳ. Thử nghiệm này đã được tiến hành đối với những trường hợp rung nhĩ. Kỹ thuật mới này, được mệnh danh là LEAP (Low-Energy Anti-Fibrillation Pacing), hoạt động theo cùng nguyên tắc của các máy khử rung cổ điển. Nhưng bằng cách phóng ra một loạt 5 sốc điện kế tiếp nhau có cường độ thấp thay vì một sốc điện với một cường độ mạnh. Kết quả : hoạt động vô tổ chức bị ngưng lại. Tim dần dần đập lại bình thường. Nhưng các sốc điện được sử dụng, 7 lần yếu hơn, gây đau đớn ít hơn nhiều và ít gây tổn hại hơn đối với các mô tim. Những công trình nghiên cứu đầu tiên trên động vật đã tỏ ra rất thỏa mãn. Vào giai đoạn kế tiếp, ta sẽ trắc nghiệm máy khử rung mới này nơi người.
Hỏi : Phương thức mới này cũng sẽ được áp dụng đối với các máy khử rung thất (défibrillateur ventriculaire) ?
GS Xavier Jouven : Có thể. Các công trình nghiên cứu tiếp theo sẽ xác nhận điều đó. Một ưu điểm khác của những công trình nghiên cứu này là chúng cho phép hiểu rõ hơn cơ chế của sốc điện. Một bước tiến sẽ đưa đến sự hiệu chính những điều trị mới có hiệu quả.
(PARIS MATCH 23/2-29/2/2012)
|