Trong bài viết mới đây đăng trên trang Project Syndicate, ông Michael Spence, người từng đoạt Giải Nobel Kinh tế, nhận định sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc đang đối diện với giảm phát.
Không khó để nhận diện những yếu tố có thể làm suy yếu nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa của Trung Quốc. Các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã áp mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia cũng gia tăng, phần lớn là do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua có thể dẫn đến các biện pháp hạn chế thương mại khắc nghiệt hơn và các chính sách đơn phương sẽ làm phân mảnh hệ thống Trung Quốc.
Tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao và triển vọng kinh tế bấp bênh đã khiến các hộ gia đình Trung Quốc, vốn có thói quen tiết kiệm cao so với tiêu chuẩn toàn cầu, tiếp tục "thắt chặt hầu bao". Hơn nữa, đà giảm của giá trị bất động sản, vốn chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, đã ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng.
Thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng đến "sức khoẻ" tài chính của các chính quyền địa phương, vốn lâu nay phụ thuộc vào bán đất và các nguồn thu khác từ bất động sản. Khó khăn tài chính gia tăng ở cấp chính quyền địa phương cũng làm trầm trọng thêm sức ép giảm phát.
Một lý do khác dẫn đến thiếu hụt nhu cầu trong nước của Trung Quốc là đầu tư tư nhân yếu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm sút, một phần là do các hạn chế thương mại và căng thẳng địa chính trị.
Trước đây, đầu tư công là động lực chính thúc đẩy tổng cầu của Trung Quốc. Trong ba thập niên tăng trưởng nhanh vừa qua, tổng vốn hình thành - phần lớn do chính phủ chỉ đạo - lên tới 40% GDP. Song hiện nay các chính quyền địa phương không còn đủ nguồn lực tài chính để theo đuổi những loại hình đầu tư quy mô lớn như trước đây và đầu tư khi phục hồi có thể sẽ chỉ tác động hạn chế đến sức tăng trưởng trong tương lai.
*****
Trung Quốc hiện đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, gây ra những tác động lớn về kinh tế và xã hội. Năm 2023, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 21,1% dân số Trung Quốc (tương đương 297 triệu người), trong đó có hơn 216 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 15,4% tổng dân số cả nước. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng nhanh trong những thập kỷ tới. Đến năm 2050, nhóm dân số trên 65 tuổi có thể chiếm tới 30% tổng dân số, tương đương 380 triệu người. Đồng thời, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên có thể chiếm tới 39,9% dân số Trung Quốc, tăng gần gấp đôi so với hiện nay (de Guzman, 2024). Điều này làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia có xã hội siêu già theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.
So với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới, tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc diễn ra rất nhanh. Tỷ lệ người cao tuổi ở Trung Quốc hiện đang thấp hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng với tốc độ già hóa hiện nay, Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua nhiều quốc gia phát triển. Trong khi Nhật Bản mất hơn 25 năm để tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 7% lên 14%, thì Trung Quốc chỉ mất chưa đầy 20 năm cho sự gia tăng tương tự. Điều này làm nổi bật sự nghiêm trọng của vấn đề già hóa dân số tại Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu.
Từ giữa những năm 2012, Trung Quốc bắt đầu quá trình già hóa dân số và từ giai đoạn này trở đi, kinh tế Trung Quốc có biểu hiện suy giảm rõ rệt. Song song với tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội ngày càng lớn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần.