Thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã không đạt được thỏa thuận chung. Cuối cùng châu Âu kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Tối 14/9, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong Hội nghị, các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đã thảo luận các chủ đề về thương mại, khí hậu, hợp tác kỹ thuật số, nhân quyền và chống đại dịch Covid-19.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, EU và Trung Quốc nhất trí xác định tiếp cùng nhau thúc đẩy cải thiện hợp tác, nhấn mạnh, EU mong muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng, có đi có lại và dựa trên sự tôn trọng lợi ích lẫn nhau.
Theo ông Michel, Trung Quốc là đối tác toàn cầu quan trọng trong việc giảm thiểu khí phát thải nhà kính trên toàn cầu và trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. EU trông đợi Bắc Kinh tham vọng hơn nữa trong chủ đề này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, EU có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc và là đối tác thương mại số một của quốc gia này với giá trị giao dịch trung bình giữa hai bên lên tới hơn 1 tỷ Euro mỗi ngày. Thương mại có thể tiếp thêm sức mạnh cho sự phục hồi kinh tế của cả hai phía và EU muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng hơn với Bắc Kinh.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, ông Michel cho biết, EU bảo vệ tầm nhìn của mình về một không gian mạng tự do, mở và an toàn, vì lợi ích của công dân và toàn xã hội. Với tư cách là người chơi toàn cầu, EU và Trung Quốc cần có trách nhiệm tương xứng.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong các hành động đơn phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang.
Về đại dịch Covid-19, ông Michel cho rằng, chỉ có hành động tập thể và minh bạch mới có thể khống chế được đại dịch và cách duy nhất để tìm ra vaccine và triển khai ở mọi quốc gia là dựa trên hợp tác toàn cầu. Ông Michel bày tỏ mong muốn tất cả các quốc gia hợp tác đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện về phản ứng y tế quốc tế đối với Covid-19, đồng thời hỗ trợ WHO xác định nguồn gốc của virus.
EU cũng khuyến khích Trung Quốc theo đuổi sự phục hồi kinh tế để cải cách cơ cấu và định hình một nền kinh tế xanh, bền vững hơn. Chủ tịch Michel kết luận cuộc họp lần này vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc thảo luận là chưa đủ, hai bên cần phải chuyển từ lời nói sang hành động.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết, EU kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa cho các sản phẩm và dịch vụ truyền thông kỹ thuật số của châu Âu. Bà von der Leyen lưu ý, EU mong muốn Bắc Kinh sẽ gỡ bỏ các rào cản thị trường, ít nhất đối với các sản phẩm kỹ thuật số và dịch vụ truyền thông của châu Âu. Thị trường của EU trong lĩnh vực này hoàn toàn mở và EU cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Hai bên cùng cam kết sẽ nhóm họp thượng đỉnh trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU và Trung Quốc khi điều kiện về y tế cho phép.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, mặc dù không đạt được bất cứ thỏa thuận chung nào song các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đã diễn ra trên tinh thần cởi mở, trung thực và thẳng thắn.
Thủ tướng Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã đề nghị ông Tập Cận Bình đẩy nhanh các cuộc đàm phán để sớm đạt được tiến bộ trong thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc, vốn được hai bên bắt đầu thảo luận từ năm 2014. Bà Merkel cho rằng sự hợp tác với Trung Quốc cần phải dựa trên những nguyên tắc nhất định "có đi có lại" và cạnh tranh công bằng, bình đẳng.
Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh nhiều hơn đến tầm quan trọng cũng như vai trò của Trung Quốc trong việc bảo vệ khí hậu. Theo bà, mặc dù có sự khác biệt về hệ thống xã hội, song việc Trung Quốc cam kết thực hiện nghiêm túc các cam kết Thỏa thuận Paris về khí hậu được xem là cơ sở quan trọng để EU và Bắc Kinh hợp tác cùng nhau trong các vấn đề liên quan đến khí hậu.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đề nghị Bắc Kinh chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Hai bên cũng nhất trí thiết lập các cơ chế đối thoại cấp cao về khí hậu và môi trường cũng như các vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật số để tăng cường quan hệ đối tác.
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các cuộc thảo luận về vấn đề nhân quyền giữa EU và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và EU nên tuân thủ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, mở rộng và hợp tác, chủ nghĩa đa phương, cũng như tăng cường đối thoại và tham vấn để duy trì ổn định và hiệu quả quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai bên.
Trước cuộc họp, EU và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận bảo hộ tên thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu của nhau, từ phô mai mặn làm bằng sữa cừu, dê ở Hy Lạp cho đến bột đậu Pixian của Trung Quốc. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tôn trọng tên gọi của 100 mặt hàng thực phẩm từ châu Âu và tên gọi 100 mặt hàng cùng loại của Trung Quốc.
VietBF@ sưu tầm.