Sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn có ích cho hệ tiêu hóa, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, những lợi khuẩn này rất dễ bị mất đi nếu bạn không bảo quản đúng cách.
Nguyên nhân sữa chua bị hỏng
Do men ủ
Sữa chua được sản xuất từ quá trình lên men nên men cái là yếu tố then chốt để tạo nên thành phẩm. Việc sử dụng men sữa chua không chất lượng sẽ dẫn đến sản phẩm tạo ra sau đó rất nhanh bị hư, không đông hay bị tách nước.
Bên cạnh đó, trong lúc sản xuất, nếu dùng men cái quá lạnh hoặc quá ấm thì cũng sẽ làm chết vi khuẩn có sẵn trong men, từ đó làm sữa chua khó đông.
Khuấy không đều
Khi làm sữa chua, công đoạn khuấy cho đều tay rất quan trọng. Nếu khuấy không đều hay dùng lực quá mạnh thì sữa chua tạo thành không được mịn và bị cuốn thêm nhiều không khí vào trong hỗn hợp. Lúc này đem sữa chua đi ủ thì nước trong hỗn hợp sẽ bị tách và dễ hư.
Ủ không đúng nhiệt độ
Nếu ủ sữa chua ở nhiệt độ quá cao thì làm men chết, lúc này sữa không được lên men để tạo thành sữa chua. Ngược lại nếu ủ ở nhiệt độ quá lạnh thì men hạn chế phát triển dẫn đến sữa chua không đông và bị tách nước.
Vậy nên để tránh sữa chua bị hư thì nhiệt độ thích hợp để ủ sữa chua là khoảng 32-48 độ C, tối ưu nhất là 45 độ C.
Dụng cụ chế biến mất vệ sinh
Để quyết định đến chất lượng thành phẩm, ngoài yếu tố nguyên liệu, cách lam sữa chua, thì các dụng cụ chế biến cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu dụng cụ chế biến mất vệ sinh thì sẽ làm hỗn hợp sữa chua bị lẫn vi khuẩn, tạp chất. Các loại vi khuẩn này gây hại cho lợi khuẩn trong sữa chua từ đó làm quá trình lên men bị hỏng.
Cách nhận biết sữa chua bị hư
Kiểm tra hạn sử dụng
Với sữa chua đóng hộp, kiểm tra hạn sử dụng là cách nhanh nhất để biết sữa chua đang dùng có bị hỏng hay chưa. Để bảo vệ tốt cho sức khỏe cũng như được ăn ngon miệng, tốt nhất nên dùng sữa chua trong khoảng thời gian do nhà sản xuất khuyến nghị.
Nếu hộp sữa chua đã hết hạn, thì bạn hãy nhanh chóng bỏ chúng đi dù mùi vị còn thơm. Khi mua sữa chua đóng hộp hãy kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng thật kỹ trước khi mua về nhà.
Quan sát bằng mắt thường
Trước khi sử dụng sữa chua, để biết sữa chua bị hư hay không có thể dựa vào những dấu hiệu có thể quan sát được bằng mắt thường. Ví dụ như bao bì sản phẩm không đóng gói kỹ, hộp bị hở, hộp bị méo hay phồng to. Màu sắc của sữa chua thay đổi, không còn màu trắng đục đặc sánh mà là màu vàng hoặc có nổi đốm màu xanh, nâu trên bề mặt.
Ngoài ra sữa chua bị tách nước, khi trộn lên không đồng nhất mà bị lợn cợn cũng là dấu hiệu cho thấy sữa chua đã hỏng.
Kiểm tra bằng mùi
Việc khui hộp sữa chua ra và trực tiếp ngửi mùi sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện sữa chua có bị hỏng hay không. Nếu mùi của sản phẩm bị biến đổi, có mùi lạ hay hôi thì chắc chắn sữa chua đã hỏng, không nên dùng.
Bảo quản sữa chua đúng cách
Sau khi biết cách nhận biết sữa chua bị hư, ta cần quan tâm đến cách bảo quản chúng sao cho khoa học. Nếu gia đình có con nhỏ, trường hợp trẻ tự ý lấy sữa chua ăn mà không biết cách kiểm tra chất lượng sản phẩm trước như người lớn thì sẽ gây nhiều hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe. Vậy nên việc bảo quản sữa chua đúng cách không bao giờ là thừa.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng điều kiện lý tưởng để bảo quản sữa chua là ở ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 6-8 độ C. Tuyệt đối không để sữa chua ở nhiệt độ thường vì trong điều kiện này, sữa chua bị lỏng và nhanh chóng giảm chất lượng. Bạn cũng không nên để sữa chua đông đá vì dễ gây viêm họng với trẻ nhỏ.
Với sữa chua đóng hộp sẵn được bày bán trên thị trường, theo quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại, banj có thể dùng chúng trong vòng 6 tháng. Nhưng với sữa chua tự làm, bạn chỉ nên dùng trong 5-7 ngày. Nếu mua sữa chua đóng hộp về và đã mở nắp thì tốt nhất nên dùng hết trong vòng 48 giờ.
Cách bảo quản sữa chua khi không có tủ lạnh
Trong trường hợp không có tủ lạnh hoặc tủ lạnh của bạn đã chật đầy đồ, bạn nên cho sữa chua vào thùng nước đá hoặc thùng xốp và cho đá lạnh vào, nhiệt độ của nước đá duy trì trong mức dưới 8 độ. Sữa chua sẽ được bảo quản an toàn và dùng dần trong 1 - 2 ngày, không để lâu.
Bạn tuyệt đối không được để sữa chua ở điều kiện thường, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Vì ở điều kiện thường các vi khuẩn có lợi trong sữa chua dễ bị biến chất thành vi khuẩn có hại, làm sữa chua bị ôi thiu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
|