Ảnh minh họa. (Nguồn: RT.com) Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ mới được công bố, nhờ tình hình kinh tế đang khá dần lên và việc cắt giảm chi tiêu được tiến hành một cách mạnh tay, thâm hụt ngân sách của nước này có thể trở lại mức bình thường trong tài khóa 2014 này (kết thúc cuối tháng Chín).
Văn phòng Ngân sách của
Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo mức thâm hụt tổng cộng sẽ là 514 tỷ USD trong tài khóa 2014, so với con số 680 tỷ USD của tài khóa trước và mức cao kỷ lục 1,4 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2009. Mức thâm hụt của năm nay sẽ tương đương với 3% GDP, gần ở mức trung bình trong suốt 40 năm qua.
Trong năm nay, thu ngân sách liên bang dự kiến tăng 9%, đạt 3.000 tỷ USD (tương đương 17,5% GDP), còn chi có thể tăng 2,6%, lên 3.500 tỷ USD (tương đương 20,5% GDP), mức trung bình của 4 thập niên.
CBO nhận định mức thâm hụt sẽ tiếp tục giảm xuống 478 tỷ USD trong tài khóa 2015. Tuy nhiên, sau năm 2015, các mức thâm hụt được cho là sẽ bắt đầu tăng, do nguồn thu tăng với nhịp độ xấp xỉ bằng mức tăng trưởng GDP trong khi chi có thể tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP. Các con số được đưa ra cho tài khóa 2016 và 2017 lần lượt là 539 tỷ USD và 581 tỷ USD.
Báo cáo của CBO được công bố sau khi Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew hối thúc Quốc hội nhanh chóng nâng trần nợ khi thỏa thuận tạm thời cho vấn đề này sẽ không còn giá trị vào ngày 7/2. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách giảm có nghĩa Quốc hội sẽ không phải hành động ngay lập tức. Thâm hụt ngân sách lớn trong những năm gần đây đã làm tăng đáng kể nợ của liên bang và tỷ lệ nợ trên quy mô nền
kinh tế hiện ở mức rất cao trong lịch sử là 17,3 nghìn tỷ USD.
Về tình hình nền kinh tế Mỹ, sau giai đoạn phục hồi chậm kể từ sau cuộc suy thoái năm 2009, CBO nhận định kinh tế nước này sẽ tăng vững chắc trong năm 2014 và 5 năm tới. Tăng trưởng GDP thực, tức đã được tính tới yếu tố lạm phát, trong quý 4/2014 được kỳ vọng sẽ đạt 3,1% so với quý 4/2013, mức tăng mạnh nhất trong gần một thập niên. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn ở mức trên 6% cho đến cuối năm 2016.
Trong tháng 1/2014, hoạt động dịch vụ của Mỹ tăng tốc, với các công ty báo cáo điều kiện
kinh doanh tốt hơn và đang thuê thêm nhân công. Chỉ số quản lý sức mua của lĩnh vực phi chế tạo theo báo cáo của Viện quản lý nguồn cung mới được công bố tăng lên 54 điểm trong tháng Một, tăng một điểm so với tháng trước, sau hai tháng giảm liên tiếp. Dịch vụ là ngành có đóng góp chính cho nền kinh tế Mỹ.
Vietnamplus