Các nhà khoa học Nhật đã tìm ra cách gắn da làm từ tế bào sống của con người vào khung robot, giúp chúng có khả năng biểu hiện cảm xúc và giao tiếp tốt hơn.
Robot không chỉ còn được tạo nên bằng ốc vít hay kim loại, silicon khô khan, mà giờ đây chúng có thể được chế tạo bằng da sống. Thậm chí chúng có thể cười bằng lớp da đó.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo hôm 25/6 đã tiết lộ một mẫu robot mô phỏng người được bao phủ bởi lớp da nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu cho biết họ có thể mô phỏng dây chằng da người bằng in 3D trên một mẫu robot 2D.
Một thông cáo báo chí cho biết nhóm nghiên cứu hy vọng sự tiến bộ này sẽ "hữu ích trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và giúp đào tạo các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ".
Mô sống của lớp da là hỗn hợp nuôi cấy của các tế bào da người, phát triển trong khung collagen và được đặt trên nền nhựa in 3D. Không giống như các thí nghiệm tương tự trước đây, lớp da này cũng chứa những chất tương đương với dây chằng mà ở sinh vật sống được ẩn trong lớp mô, giữ nó ở đúng vị trí và mang lại sự dẻo dai đáng kinh ngạc.
Nhóm nghiên cứu đặt lớp da lên một khuôn mặt robot đang cười, rộng vài cm, tạo chuyển động bằng các thanh nối với đế. Nó cũng được gắn vào một hình dạng 3D có kích thước tương tự dưới dạng đầu người, nhưng mẫu này chưa thể chuyển động.
Lớp da này còn được gắn lên mô hình 3D nhưng chưa thể chuyển động.
Nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật sinh học Michio Kawai cho biết làn da giống con người có thể giúp robot giao tiếp với con người tốt hơn.
Công trình này cũng có thể mang lại những lợi ích đáng ngạc nhiên cho ngành công nghiệp mỹ phẩm. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã làm cho khuôn mặt robot nhỏ mỉm cười trong một tháng và nhận thấy rằng chúng có thể tái tạo sự hình thành các nếp nhăn trên da, Kawai cho biết.
Anh giải thích thêm: “Khả năng tái tạo sự hình thành nếp nhăn trên một con chip phòng thí nghiệm cỡ lòng bàn tay có thể đồng thời được sử dụng để thử nghiệm các loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da mới nhằm ngăn ngừa, trì hoãn hoặc cải thiện sự hình thành nếp nhăn”.
Tất nhiên, da vẫn thiếu một số chức năng và độ bền của da thật. Cụ thể, nó thiếu chức năng cảm biến và không có mạch máu để cung cấp chất dinh dưỡng và độ ẩm, nên chưa thể tồn tại lâu trong không khí. Để giải quyết những vấn đề này, việc kết hợp các cơ chế thần kinh và kênh truyền máu vào mô da là thách thức hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết, không giống như các vật liệu khác, da sinh học mang lại cho những robot này khả năng tự phục hồi mà không cần đến các yếu tố kích hoạt như nhiệt hoặc áp suất.
Robot ngày càng "đáng sợ"?
Mặc dù có nhiều hứa hẹn trong lĩnh vực robot và thẩm mỹ, một số người dùng internet tỏ ra lo ngại với việc robot càng ngày càng giống người thật, khiến họ trải qua cảm giác "uncanny valley" (tạm dịch: thung lũng kỳ lạ).
Uncanny Valley (Thung lũng kỳ lạ) là một hiện tượng tâm lý, khi con người cảm thấy khó chịu hoặc rùng mình khi nhìn thấy các robot hoặc hình ảnh nhân tạo có hình dáng và cử động rất giống con người, nhưng không hoàn toàn giống. Hiện tượng này được cho là xảy ra khi sự tương đồng giữa robot và con người đạt đến một mức độ nhất định, nhưng không hoàn hảo, gây ra một cảm giác kỳ quặc và không tự nhiên.
Nhiều bình luận trên X tỏ ra không thoải mái với phát minh này.
Trong một bài đăng trên X, một số người cho rằng điều này thật đáng sợ, người khác nói họ không thể ngủ được. Có người lại cho rằng đây là khởi đầu của kỷ nguyên bạn gái robot. Bình luận được nhiều tương tác nhất trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Nikola Tesla: "Bạn sẽ sống để chứng kiến những điều kinh hoàng do con người tạo ra vượt xa tầm hiểu biết của bạn".
Đây chỉ là tin mới nhất trong lĩnh vực robot hình người, nhằm mục đích bắt chước hình dáng và chức năng của con người trên các cỗ máy có trí tuệ nhân tạo. Tesla cũng đang phát triển robot Optimus mà CEO Elon Musk hy vọng mọi người sẽ coi "như một người bạn".