Mỹ sẽ công bố quyết định có công nhận Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường hay không, chậm hơn một tuần so với dự kiến.
Thời gian Washington công bố quyết định đã được hoãn thêm một tuần, thay cho ngày 26/7.
Bộ Thương mại Mỹ viện dẫn lý do hoãn là sự cố "màn hình xanh" CrowdStrike. Tuy nhiên thời hạn 26/7 cũng được xem là 'bất tiện' vì trùng với ngày Quốc tang Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo Reuters.
Trước đó, vào ngày 8/9/2023, chính phủ Việt Nam đã đệ đơn chính thức yêu cầu phía Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, viện dẫn những cải cách kinh tế trong các năm gần đây.
Mỹ đã bắt đầu quy trình xem xét kéo dài 270 ngày.
Việt Nam được cho là đang nỗ lực hết sức để đảm bảo việc nâng cấp này trước cuộc bầu cử tháng 11 ở Mỹ, sự kiện có thể đưa ông cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Không chỉ chính thức đề nghị Washington trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, chính phủ Việt Nam còn thuê hẳn một công ty của Mỹ để giúp cho quá trình này.
Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế đối với Việt Nam vì mức thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Dưới thời chính quyền Trump, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.
Ông Trump được cho là đã bắt đầu điều tra việc bán phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021. Và khả năng ông Trump sẽ tái khởi động tiến trình này nếu đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.
Mỹ liệt kê Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường vào năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam.
Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ đặt ra sáu tiêu chí để xác định một quốc gia có đủ điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường hay không:
Khả năng chuyển đổi đồng tiền.
Tiền lương được xác định thông qua thương lượng tự do
Cho phép đầu tư nước ngoài
Sở hữu nhà nước đối với các phương tiện sản xuất
Sự kiểm soát của nhà nước đối với giá cả và sản xuất của các công ty
Các yếu tố khác mà phía Mỹ xem là quan trọng.
Việt Nam nằm trong danh sách 12 nước bị Mỹ đưa vào danh sách là nền kinh tế phi thị trường bên cạnh Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan.