Trong đêm (7/9) và ngày mai, thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ vẫn hứng chịu các trận mưa lớn. Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hà Nội sẽ có thể bị ngập lụt nặng nề.
23:51
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Phủ Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Hải Dương gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Hoài Đức (Hà Nội) gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8;…
Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 7h đến 20h ngày 7/9 có nơi trên 200mm như: Phủ Dực (Thái Bình) 414.4mm, Đông Triều (Quảng Ninh) 221.6, Xuân Thủy (Nam Định) 218.8mm, Lương Tài (Bắc Ninh) 217.8mm, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) 207.8mm,…
Hồi 22 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 3, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm 7/9 đến sáng ngày 8/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70- 150mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Chiều và đêm 8/9 có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
Phía Tây Bắc Bộ từ đêm 7/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
22:29
Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc đang có mặt tại Hải Phòng cập nhật thông tin: Đến 22h ngày 7/9, cầu Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) đã thông xe trở lại.
Trước đó, từ sáng 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kèm gió to tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã thông báo cấm phương tiện lưu thông qua cầu Đình Vũ – Cát Hải để đảm bảo an toàn cho người dân.
22:22
Thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra tại Hà Nội đến chiều 7/9
Thành phố Hà Nội vừa có thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra tính đến 14h chiều nay 9/7.
Từ hôm qua đến nay tại Hà Nội cây đổ đã làm 2 người chết, 7 người bị thương và làm một số ô tô, xe máy hư hỏng. Tính đến chiều nay thành phố Hà Nội gần 500 cây xanh trên các tuyến đường bị gãy, đổ cụ thể Đại lộ Thăng Long gần 60 cây đổ, Cầu Giấy hơn 20 cây, và nhiều tuyến phố ở hầu hết các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng và nhiều quận huyện khác... Hơn 3.500 hah lúa ở các huyện ngoại thành bị đổ, úng ngập, có nơi bị ngập sâu.
Hiện 5 trạm bơm của công ty cấp thoát nước Hà Nội đang vận hành liên tục, cùng với 22 trạm bơm thủy lợi đang tiếp tục bơm tiêu nước.
Trước đó trong đêm 6/9 trước khi cơn bão đổ bộ, thành phố Hà Nội đã di dời và vận động di dời 426 người dân ở nơi nguy hiểm về nơi an toàn. Cụ thể : di dời 160 người dân ở chung cư xuống cấp nguy hiểm tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai sang trú tại Trường Tiểu học Tân Mai; 75 người tại tập thể khu liên cơ, phường Hoàng Liệt đến nhà văn hóa và khách sạn; sơ tán 162 người ở phường Chương Dương ven sông Hồng, quận Hoàn Kiếm về nhà người thân và trường học; 16 người trên thuyền về nhà thân nhân; di dời 11 nhân khẩu tại tòa nhà G6A Thành Công, quận Ba Đình đến Trường mầm non; thị xã Sơn Tây cũng đã di dời 2 hộ dân nơi ở không an toàn đi tránh bão.
22:15
Phóng viên Vũ Miền VOV Đông Bắc đưa tin: Đêm 7/9, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các sở ban ngành, địa phương đã đi kiểm tra thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn TP Hạ Long.
Theo thống kê sơ bộ, hiện các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã mất điện, mạng viễn thông bị gián đoạn, thiệt hại về tài sản rất nặng nề.
Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. 60% cây xanh bị đổ gãy, nhiều nhà cao tầng bị vỡ kính.
Sau khi kiểm tra, ông Cao Tường Huy yêu các ban ngành địa phương vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Trong đó ưu tiên việc hỗ trợ bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản; các tàu du lịch đánh bắt cá bị chìm đắm, các hộ thiệt hại hoa màu và các gia đình bị tốc mái.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra tại thiệt hại bão số 3 gây ra tại TP Hạ Long vào đêm 7/9
22:14
Phóng viên Thanh Nga/VOV Đông Bắc đưa tin: Đến tối 7/9, trên địa bàn Hải Phòng đã ghi nhận 13 trường hợp phải cấp cứu tại bệnh viện do bị cành cây gãy rơi, đổ vào người.
Nhiều nơi trên địa bàn thành phố bị cắt điện; nhiều nhà dân, xưởng sản xuất bị tốc mái tôn; Hơn 28.000 ha lúa, hơn 1700 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, nhiều trang trại chăn nuôi đã bị thiệt hại.
Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến thời điểm này vẫn đảm bảo an toàn.
22:13
Phóng viên Thu Hòa/VOV4 thông tin: Trước diễn biến phức tạp của cơn bảo số 3 (Yagi), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc gây tốc mái, nghiêng nhà nguy cơ đổ sập và sạt lở nhiều ngôi nhà. Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân chủ động phòng, chống thiên tai, bắn pháo hiệu báo tin bão khẩn cấp thông báo khẩn cấp cho các chủ tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, không ra khơi khi có mưa bão trên biển, phối hợp tham gia cùng Ban phòng Chống Thiên tai, các lực lượng của địa phương khắc phục thiệt hại cho các hộ dân bị tốc mái, kịp thời động viên thăm hỏi, đưa công dân đi cấp cứu tại bệnh viện, đồng thời vận động, hỗ trợ Nhân dân sơ tán về những nơi tránh trú an toàn.
22:09
Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão
Ngày 7/9, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có công điện gửi các tổng cục, quân khu, quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, các tổng công ty yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm Công điện số 88 của Thủ tướng Chính phủ, và các công điện của Bộ Tổng tham mưu tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn; triển khai các biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra do bão sổ 3 và hoàn lưu sau bão gây ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ. Bộ tư lệnh các Quân khu 1, 2, 3, 4 chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ đạo đơn vị thuộc quyền phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện.
Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Quân đoàn 12; các Binh chủng và các Binh đoàn: 11, 12 sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra, khắc phục hậu quả sạt lở đất, đá, mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
21:52
Phóng viên Phi Long/VOV.VN từ Thái Bình cập nhật thông tin: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình mưa đã giảm dần, nhưng vẫn còn mưa nhỏ kèm gió. Nhiều tuyến phố của TP Thái Bình đang mất điện và bị ngập do cơn mưa kéo dài từ chiều đến tối gây ra.
Đặc biệt tuyến đường Lý Thường Kiệt, đoạn qua phường Trần Lãm bị ngập khá sâu. Người dân cho biết do vừa bị cắt điện, vừa bị ngập nước nên cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tính đến 21h đêm nay, nhiều phường trên địa bàn TP Thái Bình đang bị cắt điện do sự cố về hạ tầng lưới điện của tỉnh Thái Bình;
Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 4 đường dây 110 kV, 3 trạm biến áp 110kV, trên 80 lộ đường dây trung áp bị ảnh hưởng, gây mất điện ở 109/124 đường dây trung áp, khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện.
Hiện Công ty đang nỗ lực khắc phục tại các điểm cấp điện xung yếu; còn lại phải chờ thời tiết bảo đảm đủ an toàn sẽ huy động lực lượng khẩn trương khắc phục để sớm cấp điện trở lại.
Tuy bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 gây ra, nhưng thống kê của cơ quan chức năng, đến nay Thái Bình chưa có thiệt hại về người.
VietBF@ sưu tập
|
|