Sinh vật kỳ dị mà một người đàn ông ở Anh gần đây tình cờ bắt gặp trông như bước ra từ phim khoa học giả tưởng. Nhưng sinh vật này hoàn toàn có thật, được mệnh danh là 'loài cá ma cà rồng' chuyên hút máu con mồi.
Will Miles 26 tuổi, tình cờ phát hiện sinh vật kỳ dị khi đi dạo bờ biển sau giờ làm việc ở vùng Devon, miền nam nước Anh.
"Sinh vật này rất dễ thấy. Nó nằm ở khu vực trung tâm bãi biển gần nơi có thủy triều. Đó là lúc tôi đi dạo sau giờ làm việc", Miles nói. "Nó giống như một con đỉa khổng lồ với một cái giác hút đầy những chiếc răng sắc nhọn".
Sinh vật mà Miles bắt gặp thực chất là cá mút đá biển. Sinh vật này nổi tiếng bởi khả năng hút máu con mồi nên còn được gọi là "cá ma cà rồng".
Cá mút đá biển từng rất phổ biến ở Anh nhưng nay cực kỳ hiếm gặp. Số lượng cá thể suy giảm được cho là do liên quan đến chất lượng nước và do rào cản nhân tạo ở các con sông nơi chúng sinh sản.
Miles nói sinh vật mà anh bắt gặp dài khoảng 80cm, tương đương chiều cao trung bình của một trẻ em 2 tuổi. "Tôi thực sự rất kinh ngạc", Miles nói. "Tôi chưa từng thấy sinh vật này trước đây".
Mặc dù sinh vật lạ sớm được xác định là cá mút đá biển nhưng các cư dân mạng vẫn bàn luận sôi nổi khi Miles đăng hình ảnh lên Facebook.
Một cư dân mạng viết: "Trông giống như con sâu cát trong bộ phim khoa học viễn tưởng Dune". "Tôi từng xem phim nên khi thấy sinh vật này thì nghĩ ngay đến con sâu cát", người thứ hai bình luận.
Trong bộ phim khoa học viễn tưởng Dune, sâu cát sa mạc là sinh vật khổng lồ có thể nuốt chửng mọi thứ.
Đối với một số người khác, sinh vật này giống như bước ra từ phim kinh dị hơn là viễn tưởng. "Khi tôi nói thích biển cả. Ý tôi là mặt nước chứ không phải những thứ đáng sợ bên dưới", một người khác bình luận.
"Sau khi thấy sinh vật này, tôi không còn muốn ra biển nữa", một người khác nói. Một số mô tả sinh vật này giống như "loài cá kinh dị".
Nhà sinh vật biển Jarco Havermans người Hà Lan từng mô tả vòng đời của cá mút đá biển. “Trong 5 năm, chúng ẩn dưới đáy sông và sống bằng vụn thức ăn. Sau đó, chúng phát triển hoàn chỉnh, di cư ra biển sống như một loài ký sinh", Havermans nói." Chúng sẽ hút kiệt máu đến khi vật chủ chết. Để sinh sản, chúng di cư trở lại vùng sông nước".