Theo bác sĩ Đặng Xuân Thắng, sắn dây là loài cây dây leo thuộc họ đậu, được trồng nhiều nơi ở nước ta để làm thuốc và thực phẩm. Đa số các bộ phận của chúng đều có thể được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tinh bột sắn dây là loại tinh bột thơm ngon, giàu dưỡng chất, được chiết xuất từ củ của cây sắn dây (Radix Puerariae).
Theo Đông y, tinh bột sắn dây vị ngọt, tính mát, vào được các kinh tì, vị và phế, công dụng tán nhiệt, tuyên độc, giải biểu, thấu chẩn, sinh tân dịch, chỉ tả, giải co giật, chỉ khát, giải độc rượu, thoái nhiệt, giải cơ và thăng đề vị khí, thường được dung để chữa sỏi thời kỳ đầu, chứng biểu nhiệt, tiêu chảy, gáy đau vai cứng, đau trước trán, tà ở kinh dương minh, lưng sau cứng đau.
Theo khoa học hiện đại, thành phần tinh bột sắn dây gồm khoảng 60% là tinh bột và protein, 40% còn lại là một số hoạt chất thuộc nhóm isoflavonoid: puerarin, puerosid A, puerosid B và hợp chất nhóm olean triterpene. Trong đó, Puerarin chỉ tồn tại duy nhất trong bột sắn dây, tác dụng chữa đau đầu, ù tai. Isoflavonoid làm tăng sắc tố da, trị nám, chống oxy hóa. Daidzein là hợp chất kháng viêm, kháng khuẩn, chữa mụn nhọt, rôm sảy.
Những ai không nên uống bột sắn dây?
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS Nguyễn Thu cho biết, bột sắn dây tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể uống được. Bất kể thứ gì cũng vậy, ăn quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe. Những người dưới đây được khuyến cáo không nên dùng bột sắn dây:
- Người cơ địa mệt mỏi, hay lạnh tay chân.
- Người đang sốt có cảm giác lạnh.
- Ở phụ nữ có thai cần được tham vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Người mắc bệnh phong hàn, cảm lạnh, huyết áp thấp không nên uống bột sắn dây.
- Đối với trẻ em, bột sắn dây nếu dùng sống sẽ dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần quấy chín bột sắn sẽ làm cho tính hàn giảm bớt, đồng thời vừa dễ tiêu và hấp thụ tốt hơn.
- Đối với phụ nữ trong thai kỳ, nếu cơ thể bạn đang nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt, nhưng nếu bạn thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì bạn không nên uống vì sắn dây sẽ làm tăng tính lạnh của cơ thể bạn làm bạn mệt mỏi hơn.
Trường hợp thai phụ có dấu hiệu bị động thai, mà do dạ con co bóp nhiều thì không được dùng bột sắn dây.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn khoăn "Những ai không nên uống bột sắn dây?". Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy hạn chế dùng bột sắn dây nhé.
|