Nếu như nhóm cuối, cuộc đua đến các suất trụ hạng giờ chỉ còn là cuộc cạnh tranh tay đôi giữa Kiên Giang và ĐT Long An, thì ngược lên nhóm đầu, cuộc đua đến ngôi vô địch mỗi lúc một khó đoán.
Trong mấy vòng đấu gần đây, ngôi đầu liên tục đổi chủ, giữa nhóm 4 đội bóng gồm Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, HA Gia Lai và bây giờ là SL Nghệ An. Khoảng cách điểm giữa họ lúc này cũng chỉ là 1 – 2 điểm: SL Nghệ An có 29 điểm, HA Gia Lai có 28 điểm, Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng cùng có 27 điểm. Đấy là một khoảng cách điểm có thể thay đổi chỉ sau 1 vòng đấu.
Sự ngột ngạt của nhóm đầu còn đến từ chỗ thực lực của nhóm 4 đội đang đứng đầu bảng khá ngang nhau. Trong các cuộc đụng độ giữa họ thời gian qua, thường khó phân thắng thua (như kiểu HA Gia Lai hòa Hà Nội T&T 1-1, hòa SHB Đà Nẵng 2-2), hoặc có phân thắng thua thì cũng với tỷ số rất sýt sao (SHB Đà Nẵng thắng sát nút Hà Nội T&T 2-1).
SL Nghệ An (vàng) chiếm lợi thế trong cuộc đua vô địch - Ảnh: Gia Hưng
Trong 4 đội đang dẫn đầu bảng, HA Gia Lai bị đánh giá thấp nhất về mặt chất lượng con người có trong đội hình. Nhưng ngược lại, Gỗ lại là đội bóng được đánh giá cao nhất về tính thực dụng và yếu tố sân nhà.
Trên sân Pleiku, đội bóng của bầu Đức chưa hề thua từ đầu mùa đến giờ, thậm chí mới chỉ có 2 đội bóng rất mạnh là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng rời sân Pleiku mà có điểm.
Thất thường nhất trong số 4 đội đầu bảng là SL Nghệ An, thì nay đội bóng xứ Nghệ cũng đã trở lại ngôi đầu, cùng với phong độ chói sáng của chân sút nổi đình nổi đám Lê Công Vinh.
Còn giỏi tăng tốc nhất chính là SHB Đà Nẵng. Đội bóng sông Hàn khởi đầu mùa giải rất chậm, nhất là trong giai đoạn mà SHB Đà Nẵng còn bận thi đấu ở AFC Cup. Đầu mùa này, có thời điểm đoàn quân của HLV Lê Huỳnh Đức rơi xuống tận giữa bảng xếp hạng. Nhưng càng về giai đoạn cuối, SHB Đà Nẵng tăng tốc càng mạnh.
Về lý thuyết, HLV Lê Huỳnh Đức và các học trò còn có khả năng lên đầu bảng sau loạt trận đấu bù vòng 7 cuối tuần này. Mà khả năng đấy không phải là không thể xảy ra, bởi đối thủ của đội bóng sông Hàn vào ngày 24/7 tới đây là Đồng Nai bị đánh giá thấp hơn.
Hà Nội T&T cũng có cơ hội tương tự, dù khó hơn, bởi đội bóng thủ đô cũng sẽ đấu bù vòng 7 vào ngày 24/7, trong chuyến hành quân đến sân Thống Nhất của đội bóng khó chơi XM Xuân Thành Sài Gòn.
Tức là chỉ vào ngày sau khi vòng 16 khép lại, thứ tự của nhóm đầu còn có thể thay đổi thêm lần nữa, nếu như SHB Đà Nẵng, hoặc Hà Nội T&T, hoặc cả hai có chiến thắng vào ngày 24/7 tới đây.
Ngôi vô địch V-League 2013 vì thế cũng rất khó đoán. Kiểu như SL Nghệ An sẽ thi đấu như thế nào, nếu như lời đồn Lê Công Vinh sang Nhật khoác áo Sapporo là sự thật? Khi đó, dù mùa giải chưa kết thúc, đội bóng xứ Nghệ lại phải mất tay săn bàn hàng đầu, trong bối cảnh mà Hector và Kavin Bryan dường như… hết “bén”.
Còn với HA Gia Lai, thật khó hình dung là đội bóng phố núi còn bao nhiêu sức mạnh, nếu như bộ độ tiền đạo ngoại Oseni và Evaldo “hắt hơi sổ mũi”?
Chính vì thế, khả năng giữ phong độ của các đội bóng trong nhóm đầu ở 6 vòng đấu cuối sẽ là mấu chốt của cuộc đua đến ngôi vô địch V-League 2013. Đôi khi đấy cũng là lúc mà người ta cần thể hiện bản lĩnh của một đội bóng lớn, ở giai đoạn căng thẳng nhất của mùa giải.
Có khá nhiều điều chờ đợi ở đoạn kết của mùa giải. Người ta chờ xem SHB Đà Nẵng nói chung và HLV Lê Huỳnh Đức nói riêng có còn đủ khát khao vô địch V-League hay không? Sau khi bản thân ông Đức và đội bóng sông Hàn đã có 2 lần lên ngôi ở các năm 2009 và 2012. Hoặc người ta sẽ chờ HA Gia Lai có đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo để đi đến cùng trên con đường hướng đến vinh quanh cao nhất, sau tròn chục mùa bóng đội bóng của bầu Đức chưa biết VĐQG là gì?
Kim Điền